Hôm 17/2, vì không được ra bên ngoài, một số trí thức Việt Nam tổ chức tưởng niệm tại nhà nhân dịp 44 năm ngày diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc, một sự kiện mà họ cho rằng người dân Việt Nam không thể nào quên nhưng lại bị chính quyền “né tránh, lờ đi”. Trong số này một có trường hợp bị an ninh ngăn cản không cho thắp hương ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung Quốc phát động chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979, khi ấy Bắc Kinh xua 60 vạn quân tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nói rằng đó là “cuộc phản công tự vệ”.
Đến ngày 18/3/1979, phía Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến. Dù chưa công bố chính thức về thiệt hại trong cuộc chiến này, phía Việt Nam cho biết có đến 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng.
Nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng 10 năm - mãi đến năm 1989 thì tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.
Dịp này, các trí thức Việt Nam không chỉ gợi nhớ đến “cuộc xâm lược man rợ” của Trung Quốc mà còn nhắc nhở về hiểm họa lâu dài từ nước láng giềng phương bắc.
XEM THÊM: Cuộc chiến biên giới 1979 chưa được đề cập ‘tương xứng’Từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, nêu nhận định với VOA hôm 17/2, khi ông chia sẻ thông tin và cảm nghĩ của mình về cuộc chiến trên mạng xã hội:
“Sự kiện này trong nhân dân thì người ta rất sục sôi, căm giận vì tội ác mà nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra không chỉ trong cuộc chiến tranh này, mà còn gây ra trong suốt quá trình Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Nhiều hậu họa mà người dân căm giận. Trong những ngày này, đáng lẽ chính quyền phải tìm cách khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết lại để bảo vệ đất nước, thì người ta tìm cách lờ đi. Đó là điều đau buồn trong ngày 17/2 này”.
Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết thêm: “Đảng và nhà nước thì tìm cách né tránh lờ đi còn dân thì căm giận sục sôi trước tội ác quân xâm lược Trung Quốc gây ra cho đất nước, dân tộc; trước những tài sản đất đai của nhân dân bị Trung Quốc lừa chiếm…”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhà báo độc lập Hoàng Thụy Hưng, cho VOA biết vợ chồng ông bị an ninh ngăn cản không cho ra đền tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở trung tâm thành phố để đốt hương tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới.
“Hôm nay theo thói quen, cũng ra đó để dâng hương. Nhà tôi có hai người em ruột hy sinh trong các cuộc chiến đấu như thế.
“Khi ra đến cổng chung cư thì tôi bị các anh an ninh ngăn lại. Các anh cũng lịch sự nói rằng: “Bác thông cảm. Hôm nay bác không đi đâu hết. Cả ngày hôm nay!”
“Tôi ra đó với ý định cũng tốt đẹp thôi, nhưng họ nói “Đây là lệnh chung” với lý do rằng sợ những cuộc tập hợp như vậy trong những ngày này sợ sẽ “có kẻ lợi dụng phá hoại”.
“Vì họ nói như thế nên chúng tôi cũng không làm sao ra được, nên đành phải trở về nhà thắp hương tưởng niệm trong nhà”.
Ông Hưng cho biết thêm rằng khoảng chừng 4-5 năm gần đây, chính quyền thường xuyên ngăn chặn những cuộc tụ tập như thế. Ông dẫn lời nhà chức trách lấy lý do cho rằng những sự kiện này có thể bị “lợi dụng” để làm xấu hình ảnh đất nước.
VOA đã liên lạc Công an Quận 7 và Công an Tp. HCM, nơi ông Hưng cư trú, và đề nghị họ cho ý kiến về việc vợ chồng ông bị ngăn chặn, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 17/2, tạp chí The Diplomat đăng một bài của tác giả Christelle Nguyen, một nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á, với tựa “Cuộc chiến biên giới Việt – Trung bị quên lãng có chủ ý như thế nào”, trong đó nhận định rằng Trung Quốc thời gian qua đã tìm cách củng cố quan điểm lấy Trung Quốc làm trung tâm của mình về thế giới, coi các quốc gia nhỏ ở ngoại vi của Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam, là thấp kém hơn và nằm trong quỹ đạo chính đáng trong ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tác giả nhận định rằng dưới con mắt của chính quyền Việt Nam, việc người dân tưởng niệm cuộc chiến biên giới có thể bất lợi cho Hà Nội, những người đang muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì các lý do kinh tế và các lý do khác. Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ tổ chức kỷ niệm đánh dấu chiến thắng việc đẩy lùi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng sự phô trương, không giống như các lễ kỷ niệm mừng chiến thắng trước quân đội Hoa Kỳ và Pháp.
Tác giả nói rằng cuộc chiến này hoàn toàn không được nhắc đến trong sách giáo khoa Trung Quốc đã đành, nhưng trong khi sách giáo khoa cuối năm lớp 12 của Việt Nam thì cũng đề cập rất ít ỏi.
Gần nửa thế kỷ sau, cả hai bên vẫn đàn áp các lễ kỷ niệm chính thức về cuộc chiến đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai phía. Tác giả viết: “Sự im lặng chính thức về Chiến tranh Trung-Việt bắt nguồn từ nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm kiểm soát ký ức tập thể chống lại với nỗ lực của người dân khi họ lý giải những bất công”.
Hôm 17/2, trang VietnamNet có bài viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói rằng: “Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” và đưa ra thông điệp “không phải kích động hận thù”.