Lạm phát nguội lại, giá xăng dầu xuống thấp, thị trường lao động mạnh mẽ, chi tiêu của người tiêu dùng tăng cao cùng lời hứa của FED sẽ giảm lãi suất là những động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế nhận định.
Một năm 2023 ‘rất tốt’
Nền kinh tế Mỹ đã tăng 4,9% trong quý ba năm 2023, mức tăng cao nhất kể từ năm 2021, khi chi tiêu của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ tăng tốc, ngay cả khi đối mặt với lãi suất tăng cao, theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế. Đây là quý thứ năm kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tiếp thay vì đi vào kịch bản suy thoái như nhiều nhà phân tích đã dự đoán trước đó.
Khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ là kết quả của thị trường việc làm mạnh mẽ và tiền tiết kiệm trong đại dịch. Điều này khiến người dân Mỹ có thể tiếp tục mở hầu bao cho dù lạm phát và lãi suất tăng cao. Con số tuyển dụng mạnh mẽ - bao gồm 214.000 việc làm mới được tạo ra trong quý ba - cũng đóng góp vào sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ.
Thành tích này đặc biệt ở chỗ nó diễn ra trong bối cảnh lãi suất cao nhất trong hơn 15 năm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3 năm 2022 lên mức 5,25% - 5,5% trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.
Tăng trưởng này là dấu hiệu cho thấy một số chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giúp thúc đẩy kinh tế vào thời điểm quan trọng. Các kinh tế gia cho rằng rõ ràng các khoản đầu tư của chính quyền vào cơ sở hạ tầng đã phát huy tác dụng: xây dựng trong lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ và chi tiêu chính phủ đã thúc đẩy phần lớn tăng trưởng của quý ba, và các hộ gia đình đã tiếp tục tận dụng con số việc làm tăng lịch sử.
Lãi suất cho vay mua nhà thế chấp hiện ở mức 7,6% - cao nhất trong hai thập kỷ– khiến thị trường nhà đất ở Mỹ gần như đứng yên. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng điều này khiến người Mỹ đưa tiền qua tiêu ở chỗ khác. Chi tiêu ở nhà hàng, rạp chiếu phim và các trận thi đấu thể thao đều tăng vọt trong những tháng qua, giúp các ngành này tiếp tục thuê mướn thêm nhiều lao động.
Người Mỹ đã chi hàng tỷ đô la trong mùa hè này để xem các sô diễn của Beyoncé và Taylor Swift cũng như xem phim ‘Barbie’ trong rạp. Du lịch cũng tăng cao: 33% hộ gia đình Mỹ cho biết họ đã đi nghỉ trong mùa hè vừa qua, một con số kỷ lục, theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang được Washington Post dẫn lại.
Hôm 13/12 chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng gần 500 điểm, phá thủng mốc 37.000 điểm và là mức đóng cửa cao nhất từ trước đến giờ. Sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán diễn ra sau khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nước Mỹ đã kiểm soát được lạm phát mà không dẫn đến suy thoái – một kỳ tích thường được gọi là ‘hạ cánh mềm’.
Trước đó, vào cuối năm 2023 khi lạm phát đã chậm lại đáng kể, Fed cho biết họ có thể đã xong xuôi với việc tăng lãi suất và sẽ cắt giảm lãi suất ba đợt trong năm 2024
“Năm 2023 là một năm rất tốt,” Mark Zandi, kinh tế gia trưởng ở Moody's Analytics, được USA Today dẫn lời đánh giá. “Năm 2024 sẽ là một năm tốt.”
Năm 2024 sẽ ra sao?
Tuy nhiên, tăng trưởng trong thời gian tới chắc chắn sẽ chậm lại trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed trước đó sẽ bắt đầu phát tác, tiền để dành của người dân trong đại dịch cạn dần và chính phủ liên bang giảm dần chi tiêu để giảm mức nợ công cũng như thâm hụt ngân sách.
Nhưng một số yếu tố có thể giúp kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng, theo các nhà phân tích, bao gồm giá nhà và giá cổ phiếu ở mức gần kỷ lục, lạm phát tiếp tục đi xuống tiệm cận mục tiêu 2% và việc Fed có khả năng cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn dự đoán.
Các nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay, giảm so với mức tăng được dự báo cho năm 2023 là 2,4% nhưng cao hơn so với ước tính 0,7% hồi tháng 7, theo kết quả cuộc khảo sát thường kỳ với các kinh tế gia hàng đầu do hãng Wolters Kluwer thực hiện trước khi có thông tin Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ khiêm tốn trong nửa đầu năm 2024 nhưng sản lượng kinh tế sẽ mạnh hơn vào mùa thu khi Fed cắt giảm lãi suất hơn nữa, các nhà phân tích cho biết.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin Fed sẽ giảm lãi suất, một số kinh tế gia đã nâng tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay lên. Richard Moody, kinh tế gia trưởng của Regions Financial, đã nâng từ 1,6% lên 1,9%. Zandi dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng 1,8%.
Chi tiêu của người dân
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã có vai trò lớn giúp kinh tế tăng trưởng. Nhưng nhu cầu của họ, vốn bị dồn nén trong đại dịch và sau đó bung ra, đang suy yếu dần trong năm 2024 và tiền dành dụm của họ từ các chi phiếu hỗ trợ của chính phủ và do phần lớn thời gian ở trong nhà đang cạn dần, USA Today dẫn lời kinh tế gia Moody cho biết, nhất là đối với những người thu nhập thấp và trung bình.
Những người này cũng đang có mức nợ thẻ tín dụng kỷ lục do giá cả cao, và điều này dẫn đến việc họ cần phải giảm chi tiêu, Gregory Daco, kinh tế gia trưởng ở EY-Parthenon nói với USA Today.
Trong khi đó, cũng theo lời Daco nói, việc làm và tiền lương sẽ tăng chậm lại khi nền kinh tế hạ nhiệt, khiến người dân có ít tiền hơn để tiêu xài. Lãi suất ở mức cao cũng sẽ hạn chế mức chi tiêu, ít nhất là cho đến khi Fed bắt đầu giảm lãi suất như đã hứa.
Và tăng trưởng năng suất mạnh mẽ có thể cho phép các chủ sử dụng lao động tăng lương tiếp cho nhân viên mà không bị sụt giảm lợi nhuận, Mark Zandi nói với USA Today.
Mặc dù những người thu nhập thấp và trung bình sẽ có ít tiền hơn, nhưng người có thu nhập cao hơn có nhiều tiền dành dụm hơn từ đại dịch và đang hưởng lợi từ giá nhà và giá cổ phiếu tăng cao, Zandi cho biết. Những người có thu nhập cao nhất, vốn chiếm 1/3 tổng số người tiêu dùng Mỹ, chiếm gần 2/3 tổng chi tiêu của người dân, Zandi nói.
Tăng trưởng việc làm
Chi tiêu ít hơn và nền kinh tế hạ nhiệt sẽ làm giảm mức tăng việc làm trung bình hàng tháng từ 216.000 vào năm 2023 xuống chỉ còn 53.000 trong năm nay, theo Zandi.
Moody và hãng Goldman Sachs lạc quan hơn. Họ ước đoán số việc làm mới trung bình được tạo ra hàng tháng sẽ vào khoảng khoảng 100.000 – đủ để giữ cho tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ duy trì ở mức 3,7%.
Một số ngành nghề tăng trưởng mạnh đang dự tính thuê mướn thêm nhiều lao động trong năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 3,7% - cao hơn chút ít mức thấp nhất trong vòng 50 năm - dự kiến sẽ tăng lên 4,2% vào cuối năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với ước tính 4,8% của các nhà kinh tế một năm trước.
Lạm phát
Morgan Stanley cho rằng lạm phát lõi, vốn bỏ ra các giá thực phẩm và giá năng lượng, sẽ giảm xuống 2,4% vào cuối năm nay từ mức 3,2% hồi tháng 11 năm 2023 và trên 9% hồi năm 2022.
Nhưng Morgan Stanley dự đoán rằng tiền thuê nhà cao, yếu tố góp phần lớn nhất vào lạm phát, sẽ giảm chậm, sẽ duy trì lạm phát cao lâu hơn khiến Fed sẽ phải trì hoãn tăng lãi suất.
Chi tiêu chính phủ
Đạo luật của chính quyền Biden nhằm khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh và sản xuất chip máy tính đã bơm hàng tỷ đô la vào nền kinh tế. Nhưng trong năm 2024, chính quyền ông Biden sẽ phải cắt giảm chi tiêu theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 11 với phe Cộng hòa ở Quốc hội nhằm tránh kịch bản chính phủ bị đóng cửa.
Zandi dự đoán chi tiêu của chính phủ Mỹ ngoài quốc phòng sẽ giảm 4% sau khi đã tăng 4,8% vào năm 2023.
Đầu tư của các doanh nghiệp
Mặc dù lãi suất cao có thể sẽ khiến các doanh nghiệp giảm đầu tư trong nửa đầu năm 2024, nhưng nếu Fed bắt đầu giảm lãi suất vào nửa sau của năm có thể kích hoạt làn sóng phục hồi đầu tư.
Nhìn chung, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư chừng nào người tiêu dùng tiếp tục dùng sản phẩm và dịch vụ của họ, Zandi cho biết.
Ông kỳ vọng đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tăng nhưng chưa bằng một nửa so với mức tăng 4,4% của năm 2023.
‘Vượt mong đợi’
Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy ngành Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về Quản lý, nói rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ được ước tính cho cả năm 2023 ở mức 2.6% là ‘vượt rất nhiều kỳ vọng trước đó của ông là 1%’.
Mức tăng trưởng này là điều mà ông ‘không ngờ tới’, ông nói mặc dù trước đó khác với nhiều chuyên gia khác cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái, ông Lộc dự đoán kinh tế Mỹ trong năm 2023 sẽ vẫn tăng trưởng.
Ông nêu ra các lý do giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt như dòng tiền vẫn chảy vào Mỹ, năng suất của người lao động Mỹ tăng, các công ty Mỹ đầu tư nhiều vào công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo, Mỹ khai thác dầu hỏa ở mức kỷ lục khiến giá xăng dầu đi xuống…
“Doanh thu của các công ty Mỹ thấp hơn dự liệu nhưng lợi nhuận của đại đa số các công ty này vẫn mạnh hơn,” ông giải thích. “Tại vì họ tập trung vào giảm chi phí, tân tiến hóa công nghệ.”
Ngoài ra, giáo sư Lộc cũng khen ngợi Cục Dự trữ Liên bang Fed đã ‘làm việc rất hiệu quả’ trong việc chống lạm phát.
Với việc tiêu dùng của người dân đóng góp đến trên 70% vào nền kinh tế Mỹ, ông Lộc chỉ ra việc họ vẫn tiếp tục tiêu xài nhiều là tín hiệu cho thấy họ ‘vẫn kiếm được tiền’ và ‘vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Mỹ’.
“Mùa lễ hội vừa qua người dân Mỹ đã tiêu xài nhiều. Nhiều người đã xài đến mức tối đa hạn mức cho phép trên thẻ tín dụng của họ,” ông cho biết và giải thích một phần lý do tâm lý tiêu xài này là ‘họ không thất nghiệp vì nếu mất việc sẽ kiếm việc khác lại dễ dàng’.
Ông cho rằng 14 triệu việc làm được tạo thêm trong 3 năm cầm quyền của ông Joe Biden là ‘dấu hiệu rất tốt’ và nói đó là chính quyền ông Biden đã ‘chi tiêu rất nhiều tiền để kích thích kinh tế, cụ thể là trong gói cơ sở hạ tầng’.
Về việc thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ, ông Lộc nói đó là ‘phản ứng trước thông tin Fed có thể sẽ giảm lãi suất’.
“Nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế thế giới nhưng đã hồi phục mạnh mẽ.”
‘Lạc quan’ về năm 2024
Vị chuyên gia kinh tế này dự đoán kinh tế Mỹ trong năm 2024 sẽ gia tăng trong khoảng từ 2,7 đến 3% nếu Fed giữ đúng lời hứa là giảm lãi suất 3 đợt.
Đời sống của người dân Mỹ trong năm 2024 cũng ‘sẽ dễ thở hơn’ vì lạm phát đã giảm, giá xăng dầu giảm, và Fed sẽ giảm lãi suất, cũng theo lời ông Lộc. Trong khi đó việc Trung Quốc bị giảm phát dai dẳng đã giúp giá cả hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ ‘càng rẻ hơn’.
Về lạm phát của Mỹ ông Lộc cho rằng mức lạm phát hơn 3% hiện nay ‘là đã ổn rồi’ nên Fed ‘không nên tăng lãi suất nữa’ mà ‘tập trung vào kích thích kinh tế’, nếu không kinh tế Mỹ ‘sẽ đi vào suy thoái’.
Giáo sư Lộc dự đoán lạm phát của Mỹ trong năm 2024 ‘khó lòng đạt được mục tiêu là 2%’ mà tốt nhất sẽ là trong khoảng từ 2,5 đến 2,8%.
Lãi suất neo giữ quá cao sẽ khiến đồng đô la Mỹ có giá cao, gây hại cho xuất khẩu của Mỹ và du lịch vào Mỹ, ông cho biết, trong khi các hãng, xưởng sẽ ngại đầu tư mở rộng sản xuất, thuê mướn thêm nhân viên vì tiền lãi cao.
“Nên hy sinh mục tiêu chống lạm phát một chút để giúp nền kinh tế tốt hơn, chừng nào kinh tế khỏe mạnh rồi thì mới tiếp tục chống lạm phát,” ông đề xuất.
Ông cho rằng trong năm nay ngay cả khi Fed không làm gì nữa thì lạm phát ‘sẽ vẫn tiếp tục đi xuống’ nên không cần tăng lãi suất thêm nữa.
Rủi ro về nợ
Ông chỉ ra mặc dù lương của người lao động Mỹ tăng, nhưng mức tăng ‘không bù được với lạm phát’ khiến cho thu nhập khả dụng ‘ít hơn trước’. Điều đó giải thích tại sao người dân Mỹ lạc quan nhưng ‘không hài lòng với nền kinh tế hiện tại’.
Tuy nhiên, việc chính quyền Biden tung tiền kích thích kinh tế sẽ ‘dẫn đến tăng trưởng không bền vững’, cũng theo lời ông Lộc, và có nguy cơ để lại gánh nợ cho nước Mỹ.
Ông cho biết gánh nặng nợ công của Mỹ đã tăng nhiều qua hai đời tổng thống Donald Trump và Joe Biden và cảnh báo Mỹ có thể đi vào vết xe của Trung Quốc nếu không cắt bớt chi tiêu.
Mặc dù chương trình cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden giúp ích cho nền kinh tế nhưng cũng làm tăng nợ công, theo lời ông, và có những chương trình đầu tư vào kỹ nghệ xanh, năng lượng tái tạo ‘không cần thiết đi quá nhanh vào thời điểm này’ vì ‘đầu tư nhiều mà không hiệu quả’.