Trong một động thái khó hiểu, tuần này Triều Tiên đã đưa 13 trong số hàng chục tàu ngầm từng được biết tới của họ vào danh sách công khai do một cơ quan hàng hải quốc tế quản lý, nhưng chỉ một ngày sau lại rút tên ra.
Triều Tiên hôm 27/8 đăng ký với Hệ thống thông tin vận tải biển tích hợp toàn cầu (GISIS) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) 11 tàu ngầm lớp Sang-O II cùng hai tàu tinh vi hơn, mặc dù tàu quân sự thường không được liệt kê trong sổ đăng ký này.
Đến ngày 28/8, tất cả 13 tàu ngầm này đã bị xóa khỏi danh sách.
Khi được hỏi về việc xóa, một phát ngôn viên của IMO đã nói với VOA hôm 29/8 rằng “các quốc gia thành viên có thể yêu cầu cập nhật dữ liệu của riêng họ”.
“GISIS là một trung tâm trực tuyến để chia sẻ dữ liệu liên quan đến vận tải biển, dựa trên thông tin do các quốc gia thành viên cung cấp”, phát ngôn viên nói thêm.
Động thái hiếm hoi
Không rõ động cơ nào thúc đẩy Bình Nhưỡng đăng ký tàu ngầm ban đầu.
Bên cạnh 11 tàu ngầm lớp Sang-O II, Bình Nhưỡng đã đăng ký tàu Yongung, có khả năng phóng phi đạn đạn đạo, và tàu Hero Kim Kun Ok, được cho là có khả năng mang phi đạn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Tàu Hero Kim Kun Ok được Triều Tiên mô tả là “tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật” hoạt động đầu tiên của nước này tại một buổi lễ hạ thủy vào tháng 9 năm 2023, chỉ vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với VOA hôm 29/8 rằng “chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan đến việc Triều Tiên có được số hiệu nhận dạng tàu IMO” sau khi báo cáo về việc đăng ký.
Cùng ngày các tàu ngầm được xóa khỏi danh sách, Triều Tiên khoe khoang rằng lực lượng hải quân của họ “đã phát triển thành lực lượng tinh nhuệ vô song” và gọi ngày 28 tháng 8 là “Ngày Hải quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên”, theo hãng thông tấn nhà nước KCNA.
Ông Choi Won Il, hạm trưởng đã nghỉ hưu của tàu hải quân Cheonan bị chìm của Hàn Quốc, nói với VOA hôm 28/8 rằng ông thấy “bất thường” khi Triều Tiên đưa tàu ngầm của mình vào sổ đăng ký công khai, “bởi vì tàu ngầm được thiết kế để trở thành tàu chiến tàng hình”. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan vào năm 2010.
IMO là cơ quan của Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm quản lý giao thông hàng hải, nhưng tàu chiến không bắt buộc phải được đưa vào sổ đăng ký của cơ quan này. 13 tàu ngầm được đăng ký không phải là tàu buôn do Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên điều hành.
Vũ khí ‘bất hợp pháp’
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với VOA hôm 28/8 rằng Hoa Kỳ “biết về các báo cáo rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã đăng ký 13 tàu ngầm quân sự” với IMO và đang “tham vấn chặt chẽ” với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh và đối tác khác.
Phát ngôn viên nói: “Chúng tôi lên án những nỗ lực liên tục của CHDCND Triều Tiên nhằm thúc đẩy các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và phi đạn đạn đạo bất hợp pháp” và “kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế các hành động gây bất ổn hơn nữa và quay trở lại đối thoại”.
Triều Tiên đã thử nghiệm một bệ phóng rốc-két đa nòng 240 mm với hệ thống dẫn đường mới dưới sự giám sát của ông Kim, KCNA cho biết hôm 28/8.
Ngoài năng lực trên bộ, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực dưới nước của mình.
Vào tháng 1, Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm Pulhwasal-3-31, một phi đạn hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm mới được phát triển, và Haeil-5-23, một tàu không người lái có thể phóng hạt nhân.
Vào tháng 4, việc đóng một tàu ngầm mới tương tự như Hero Kim Kun Ok tại Xưởng đóng tàu Sinpho South của Triều Tiên đã được phát hiện trên hình ảnh vệ tinh thương mại do 38 North, một chương trình của Trung tâm Stimson chuyên phân tích Triều Tiên.
Mối đe dọa ngày càng tăng
Theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân NTI, một tổ chức an ninh toàn cầu phi đảng phái, Triều Tiên có một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, với ước tính từ 64 đến 85 chiếc.
“Tàu ngầm được coi là một khả năng bất đối xứng, khả năng tàng hình cho phép chúng trở thành mối đe dọa an ninh nguy hiểm”, ông Terence Roehrig, Giáo sư an ninh quốc gia và là chuyên gia về Hàn Quốc tại Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nói.
“Mặc dù tàu ngầm của Triều Tiên ồn ào” và “có giới hạn về phạm vi hoạt động từ vùng biển ven bờ”, nhưng quốc gia này có “một trong những lực lượng tàu ngầm lớn nhất thế giới và vẫn là mối quan tâm hàng hải nghiêm trọng”, ông cho biết.
Theo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân NTI, Triều Tiên lần đầu tiên mua tàu ngầm lớp Romeo thời Liên Xô từ Trung Quốc vào những năm 1970.
Tất cả các tàu ngầm đã được đăng ký trước đó với IMO đều được coi là tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel.
Theo NTI, Yongung là tàu ngầm lớp Gorae, còn được gọi là tàu ngầm lớp Sinpo, được hạ thủy vào năm 2014 và có khả năng hạn chế ở dưới nước trong một vài ngày mà không nổi lên.