Triều Tiên đe dọa tiếp tục phát triển hạt nhân nếu Mỹ không bỏ chế tài

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội kiến lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trên Đảo Sentosa, ở Singapore, ngày 12 tháng 6, 2018.

Triều Tiên cảnh báo họ có thể khôi phục một chính sách quốc gia nhằm củng cố kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các chế tài kinh tế đối với nước này.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm thứ Sáu cho biết Triều Tiên có thể áp dụng lại chính sách “pyongjin” mà theo đó họ phát triển lực lượng hạt nhân song song với phát triển kinh tế nếu Mỹ không thay đổi lập trường. Triều Tiên không đe dọa sẽ từ bỏ đàm phán hạt nhân đang diễn tiến với Washington.

Tuy nhiên, nước này cáo buộc Washington làm chệch hướng những cam kết của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 của hai người ở Singapore để nỗ lực giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên triều Tiên nói họ có thể tiếp tục thực hiện các vụ thử nghiệm vũ khí và các hoạt động phát triển khác kể từ khi ông Kim báo hiệu có một chính sách quốc gia mới vào tháng 4.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, được phát đi dưới tên của giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ của Bộ, nói “cải thiện quan hệ và chế tài là hai chuyện không tương thích.”

“Hoa Kỳ nghĩ rằng luận điệu ‘chế tài và áp lực’ lặp đi lặp lại của họ sẽ dẫn tới ‘giải trừ hạt nhân.’ Chúng tôi không thể nhịn được cười trước ý tưởng ngốc nghếch như vậy,” thông cáo nói. Bộ mô tả việc dỡ bỏ các chế tài do Mỹ lãnh đạo là hành động tương ứng với “các biện pháp chủ động và thiện chí” của Triều Tiên, dường như đề cập đến việc nước này đơn phương đình chỉ các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa và phi đạn hạt nhân và đóng một địa điểm thử hạt nhân.

Sau một loạt các vụ thử hạt nhân và phi đạn khiêu khích vào năm ngoái, ông Kim chuyển qua ngoại giao khi ông gặp ông Trump giữa ba hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã vận động mạnh để hồi sinh ngoại giao hạt nhân.

Tuy nhiên, miền Bắc đã đưa ra những lời lẽ cứng rắn kể từ hội nghị thượng đỉnh, nhất mực đòi các chế tài phải được dỡ bỏ trước khi có bất kì tiến bộ nào trong đàm phán hạt nhân.