Triều Tiên: ‘Không đời nào’ đơn phương giải giáp mà không có niềm tin

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 29 tháng 9, 2018, tại trụ sở Lên Hiệp Quốc ở New York.

Ngoại trưởng Triều Tiên nói với Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy rằng những chế tài vẫn được duy trì đang đào sâu sự ngờ vực đối với Mỹ và không đời nào nước này sẽ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình trong hoàn cảnh như vậy.

Ông Ri Yong Ho phát biểu trước Đại hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc rằng Triều Tiên đã đưa ra "các biện pháp thiện chí đáng kể" trong năm qua, chẳng hạn như đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân, và cam kết sẽ không phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân.

"Tuy nhiên, chúng tôi không thấy bất kì phản ứng tương ứng nào từ Mỹ," ông nói.

"Không có bất kì niềm tin nào nơi Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi sẽ đơn phương giải giáp mình trước."

Dù ông Ri nhắc lại lời than phiền quen thuộc của Triều Tiên về sự chống đối của Washington đối với một cách tiếp cận "từng giai đoạn" để giải trừ hạt nhân, theo đó Triều Tiên sẽ được tưởng thưởng trong khi thực hiện từng bước một, song phát biểu của ông dường như đáng kể ở chỗ nó không bác bỏ thẳng thừng việc đơn phương giải trừ hạt nhân như Bình Nhưỡng từng làm trước đây.

Ông Ri đề cập đến một tuyên bố chung mà ông Kim Jong Un và ông Donald Trump đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một lãnh tụ Triều Tiên tại Singapore vào ngày 12 tháng 6, khi mà ông Kim cam kết nỗ lực hướng tới "giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên," trong khi ông Trump hứa bảo đảm an ninh của Triều Tiên.

Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm sự kết thúc chính thức cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53, nhưng Mỹ đã nói rằng Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước tiên. Washington cũng đã chống lại những lời kêu gọi nới lỏng các chế tài quốc tế nghiêm khắc đối với Triều Tiên.

"Mỹ khăng khăng 'giải trừ hạt nhân trước' và gia tăng áp lực bằng chế tài để đạt được mục đích của họ theo cung cách mang tính cưỡng ép, và thậm chí phản đối 'tuyên bố chiến tranh kết thúc,'" ông Ri nói.

"Cho rằng chế tài có thể khiến chúng tôi qui phục là giấc mơ hão của những người không biết gì về chúng tôi. Nhưng vấn đề là các chế tài vẫn được duy trì đang đào sâu thêm sự ngờ vực của chúng tôi."

Ông Ri không nhắc gì tới kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim và ông Trump mà nhà lãnh đạo Mỹ đã nêu bật tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tuần này.

Vị ngoại trưởng này thay vào đó nêu bật ba cuộc gặp giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong năm tháng qua và nói thêm: "Nếu bên đàm phán vấn đề giải trừ hạt nhân là Hàn Quốc và không phải là Mỹ, thì việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên sẽ không đi tới bế tắc như thế này."

Dù vậy, giọng điệu của ông Ri khác hẳn so với năm ngoái, khi ông nói với Đại hội đồng rằng nhắm phi đạn của Triều Tiên vào lục địa Mỹ là điều không thể tránh khỏi sau khi "Ông Tổng thống Ác ôn" Trump gọi ông Kim và "Ông hỏa tiễn" đang trên đường tự sát.

Năm nay tại Liên Hiệp Quốc, ông Trump, người năm ngoái đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, đã hết lời ca ngợi ông Kim về sự dũng cảm của ông trong việc thực hiện các bước để giải giáp, nhưng nói còn nhiều việc cần phải làm và chế tài vẫn phải được giữ nguyên cho đến khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân.