Các bên muốn gì qua Thượng Đỉnh Liên Triều?

Một buổi duyệt binh tại Triều Tiên năm 2012.

Thiện Ý


Như vậy là gần như chắc chắn cuộc hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Nam Hàn với Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 27-4-2018 và sau đó còn đôi chút bấp bênh là cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự trù sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6-2018 tới đây. Bấp bênh vì có hay không cuộc họp thượng đỉnh thứ hai này liên quan đến bán đảo Triều Tiên còn tùy thuộc vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều có đáp ứng sự mong đợi của Hoa Kỳ và quốc tế hay không.

Bây giờ thì ai cũng biết, hai cuộc hội nghị thượng đỉnh này nếu có được là do sự chủ động đi bước trước của Bắc Triều Tiên, khởi đi từ việc gửi phái đoàn vận động viên đến tham dự Thế vận hội Mùa Đông ở Nam Hàn vào tháng 2-2018 vừa qua. Nhưng bài viết này chỉ muốn tìm hiểu xem hai bên muốn thành đạt điều gì qua hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dựa trên diễn biến các sự kiện thực tế có liên quan.

1 - Nam- bắc Triều muốn thanh đạt điều gì về quân sự?

- Về quân sự, theo nhật báo Munhwa Ilbo hôm 17-4, dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết, thì trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4-2018 tới đây, các nhà lập pháp của hai miền được tin là đã thảo luận các chi tiết của một tuyên bố chung, phác họa tiến trình chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột quân sự. Vì Bình Nhưỡng và Seoul trên lý thuyết, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc xung đột trong những năm từ 1950-1953 kết thúc bằng một cuộc ngừng bắn - chứ không phải một hiệp định hòa bình.

Vì ai cũng biết, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) do Bắc Triều Tiên phát động với sự trực tiếp tham chiến của chí nguyện quân Trung cộng nhằm thôn tính Nam Hàn. Nhưng đã bị quân đội Nam Hàn và Hoa Kỳ chiến đấu dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc ngăn chặn, đẩy lùi và đã kết thúc sau 37 tháng chiến tranh khốc liệt chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn ký giữa Hoa Kỳ (trong vai trò lãnh đạo các lực lượng của Liên hiệp quốc), Bắc Triều Tiên và Trung Quốc (Nam Triều Tiên không có tên trong thỏa thuận ngừng bắn), chứ chưa có một Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình nào. Kể từ sau cuộc đình chiến, những căng thẳng về địa chính trị Bắc-Nam đôi khi bùng nổ xung đột quân sự lẻ tẻ,nhưng cho đến nay, cả hai miền đều tránh được một cuộc xung đột có mức tàn phá cao.

Vẫn theo tờ báo trên, trong cuộc gặp thượng đỉnh hai ông Kim và Moon có thể còn thảo luận việc khôi phục lại khu phi quân sự được canh phòng cẩn mật để phân cách hai miền hiện nay, để khu vực này trở lại trạng thái ban đầu của nó.Đồng thời, một số vấn đề cũng cần giải quyết bao gồm hàng trăm nghìn binh sĩ đóng quân dọc theo đường ranh giới được canh phòng cẩn mật nhất trên thế giới; các tàu ngầm và tàu tuần tra dọc theo bờ biển hai miền, liên minh quân sự còn hoạt động giữa Hàn quốc và Hoa Kỳ; dàn tên lửa lá chắn hướng về Bình Nhưỡng với sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc; và dàn đại pháo hùng hậu của miền Bắc luôn chĩa về hướng Seoul.Những vấn đề hai bên thảo luận này xem ra cỏ vẻ thuận lợi vì được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Vì trong cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida ngày 17/4/2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh đã tồn tại giữa hai nước kể từ năm 1953.

Về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, là vấn đề quan trọng nhất trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều này. Vì dường như Hoa Kỳ đang chờ đợi trong hội nghị này xem ông Kim có xác nhận rõ những điều mà Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In nói với báo giới, rằng "Triều Tiên đang thể hiện thiện chí giải trừ hạt nhân toàn diện" và không có các điều kiện như trước tiên quân đội Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc. Vì Từ nhiều năm trước đây, Triều Tiên nói rằng họ có thể cân nhắc việc từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ rút quân khỏi Hàn Quốc và bỏ lá chắn hạt nhân từ Hàn Quốc và Nhật Bản do Mỹ thiết lập. ( theo hãng tin Reuters trích lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biếtnhư vậy hôm 19/4).

Chính sự xác định rõ ràng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên của Ông Kim, Tổng Thống Trump sẽ có quyết định sau cùng có hay không tham dự cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6-2018 tới đây. Vì cho đến hôm Thứ Bảy 21-4-2018 ông Kim mới chỉ tuyên bố kết thúc các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, hủy bỏ địa điểm thử nghiệm hạt nhân để theo đuổi hòa bình và tăng trưởng kinh tế. nhưng ông không đề cập tới việc từ bỏ các vũ khí hạt nhân hiện có trong tay.

Do đó Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác tuy có hoan nghênh tuyên bố của ông Kim, nhưng vẫn bày tỏ hoài nghi về ý định thực sự của Bắc Triều Tiên. Người ta nghi ngại rằng có thể ý định thực sự của Bắc Triều Tiên là muốn qua hội nghị thượng đinh với Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng muốn được quốc tế công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân, như Ấn Độ và Pakistan trước đây, được quyền tang trữ để tự vệ.Vì sau những thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo cuối cùng năm vừa qua, Bình Nhưỡng đã công bố là đã thành công cả hai lãnh vực thử nghiệm này. Nay với động thái phá hủy một vài dàn phóng phải chăng muốn xác định rằng họ đã có vủ khí hạt nhân, không cần thử nghiệm thêm nữa?

Qua sự chủ động và tự tin khi đề xuất các cuộc hội nghị thượng đỉnh, có thể đây là con bài tảy của Bình Nhưỡng. Nhưng nếu con bài tảy này được lật lên trong hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, thì khó mà có được cuộc hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, diễn đàn chính để Ông Kim công bố ý định thực sự của mình. Vì vậy, rất có thể con bài tảy này sẽ được dấu kín trong hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, bằng cách thả nổi coi như chỉ đề cập đến hồ sơ hạt nhân với Mỹ, còn trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Liên Triều là các vấn đề quân sự, chính trị nội bộ hai Miền Bắc-Nam Triều Tiên.

2 - Nam- bắc Triều muốn thanh đạt điều gì về chính trị?

- Về chính trị, trong hội nghị thượng đỉnh hai bên có thể bàn đến sự thừa nhận lẫn nhau trên căn bảnmột đất nước, hai quốc gia với hai chế độ chính trị” tương tự như quốc gia Trung Quốc và quốc gia Đài Loan. Vì Tổng Thống Nam Hàn Moon từng nói rằng những thỏa thuận lớn về bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ không quá khó khăn mới có thể đạt được thông qua các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ nhằm mục đích kiềm chế các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Vì vậy, theo nhận định của chúng tối, trong khi chờ đợi thống nhất đất nước Triều Tiên một cách hòa bình, hai bên Bắc-Nam có thể bàn đến việc trao đổi kinh tế, mậu dịch, viện trợ phát triển và nhân đạo, giao lưu văn hóa, thể thao, nghệ thuật, đoàn tụ các gia đình phân ly sau chiên tranh, cho phép liên lạc thư tín, người dân qua lại du lịch …Tất cả sẽ diễn ra theo một trình tự thời gian thích hợp được hai bên ghi nhận. Tất cả những dự đoán này có thể dễ thành đạt với chính quyền dân chủ Nam Hàn’ vì nằm trong chính sách “Vầng Thái Dương” từ thời Tổng Thống Kim Đại Trọng, được các chính quyền kế tiếp kế tục cho đến nay thể hiện qua một “Bộ Thống Nhất” trong nội các chính phủ.Thế nhưng, khó khăn là đối với chế độ độc tài toàn trị Bắc Triều Tiên, vì bất lợi về chính trị, nhất là mất sự kiểm soát chặt chẽ người dân Bắc Triều Tiên bao lâu nay bị kềm kẹp.

Trên đây là một số dự đoán của người viết trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vài ngày tới đây. Thực tế thế nào mọi người sẽ biết sau cuộc gặp giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày Thứ Sáu 27-4-2018 tuần này..

Thiện Ý

Houston, ngày 25-4-2018