Triều Tiên: Những cuộc đào tị gây chú ý

Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên ở Ý, người mà cơ quan gián điệp Hàn Quốc cho biết đã lẩn trốn cùng với vợ của ông ta, dường như là thành viên mới nhất của tầng lớp tinh hoa Triều Tiên từ bỏ nhà nước toàn trị bí ẩn này.

Nhiều người trong số họ đã bày tỏ bất bình về điều mà họ mô tả là một nhà nước công an trị áp bức ở Bình Nhưỡng hoặc mong muốn gia đình họ có cuộc sống mới ở Hàn Quốc hay ở phương Tây.

Triều Tiên, nơi tự xưng là thiên đường xã hội chủ nghĩa, cực kì nhạy cảm về những vụ đào tị, đặc biệt là trong giới tinh hoa của họ. Bình Nhưỡng từng khẳng định đây là âm mưu của Hàn Quốc hoặc của Mỹ nhằm phá hoại chính phủ của họ.

Ngược lại, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên sát hại hoặc tìm cách ám sát những người đào tị trước đây.

Một số vụ đào tị khỏi Triều Tiên gây chú ý:

___

KIẾN TRÚC SƯ ‘JUCHE’

Dù đã qua đời nhưng Hwang Jang Yop tới nay vẫn là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đào thoát khỏi quốc gia cộng sản này để xin tị nạn ở Hàn Quốc.

Ông Hwang, cựu thành viên cao cấp trong Đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên, là kiến trúc sư trưởng của tư tưởng cai trị “juche” đề cao tinh thần tự lực tự cường và từng là thái sư của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il, cha của nhà cầm quyền đương nhiệm Kim Jong Un.

Hwang Jang Yop, 74 tuổi, trong một bức hình chụp vào ngày 10 tháng 7, 1997.

Ông Hwang là một trong những quan chức quyền lực nhất của Triều Tiên khi ông đào thoát trong chuyến thăm Bắc Kinh. Sau khi tái định cư ở Hàn Quốc vào năm 1997, ông Hwang trở thành người lớn tiếng chỉ trích giới lãnh đạo Triều Tiên mà ông từng một tay vun đắp. Điều này đưa tới những lời đe dọa và nỗ lực ám sát ông mà Seoul quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng.

Ông Hwang, khi đó 87 tuổi, qua đời vào năm 2010 sau khi bị nhồi máu cơ tim, vài tháng sau khi hai thiếu tá quân đội Triều Tiên bị kết án tù ở Hàn Quốc vì âm mưu ám sát ông.

THÀNH VIÊN HOÀNG GIA

Hàn Quốc nói Lee Han-young, cháu trai của một trong những người vợ cũ của Kim Jong Il, chết vào năm 1997 dưới tay các điệp viên Triều Tiên được phái đi để báo thù. Nhưng cảnh sát không bắt được những kẻ tấn công trước khi họ được cho là quay trở lại miền Bắc.

Ông Lee đã đào thoát qua Thụy Sĩ vào năm 1982, nhưng Seoul giữ bí mật về chuyện ông đến Hàn Quốc vào năm 1996, thời điểm mà mẹ ông cũng trốn khỏi miền Bắc. Ông chỉ trích gay gắt chính phủ Bình Nhưỡng và người chú độc tài.

Le Han-young trong một bức hình chụp năm 1997

Ông Lee chết do trúng đạn sau khi bị tấn công trước căn hộ gần Seoul vào tháng 2 năm 1997. Theo những người hàng xóm, ông Lee sau vụ nổ súng nói, “gián điệp, gián điệp,” và giơ hai ngón tay, có lẽ cho biết số lượng những kẻ tấn công. Cảnh sát cho biết một người phụ nữ vờ làm phóng viên tạp chí đã gọi điện thoại tới căn hộ để hỏi khi nào ông Lee sẽ về nhà trước vụ tấn công.

__

CÁC NHÀ NGOẠI GIAO

Sự biến mất của ông Jo Song Gil, quyền đại sứ của Triều Tiên tại Ý, có thể gây khó xử về mặt truyền thông cho lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong khi ông theo đuổi ngoại giao với Washington và Seoul và đang cố thể hiện mình là một chính khách quốc tế.

Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể phớt lờ vụ đào tị khả dĩ này của ông Jo hoặc kìm chế những chỉ trích gay gắt để tránh nêu bật những điểm yếu của chính phủ giữa nỗ lực thúc đẩy ngoại giao.

Trường hợp tương tự gần đây nhất trước vụ ông Jo là vụ nhà ngoại giao cấp cao Thae Yong Ho, phó đại sứ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở London, chạy sang Hàn Quốc vào năm 2016.

Thae Yong Ho ở Hàn Quốc, ngày 27 tháng 12, 2016.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả ông Thae là “cặn bã loài người” sau vụ đào tị và nói ông đang tìm cách tránh bị trừng phạt vì phạm phải những tội ác nghiêm trọng. Ông Thae phủ nhận cáo buộc đó và nói rằng ông đào tị vì ông không muốn con cái của ông sống “khốn khổ” ở miền Bắc.

Năm 1997, đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập Chang Sung Gil cùng vợ đã đào tị và được cấp quy chế ị nạn tại Mỹ. Trong một hành động có phối hợp, một người anh em của ông này là ông Chang Sung Ho cũng đào tị khỏi một phái bộ thương mại của Triều Tiên tại Pháp và cũng được cấp quy chế tị nạn để tới Mỹ.