Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm 16/9 rằng các tên lửa do nước này phóng đi hôm 15/9 là hoạt động thử nghiệm "hệ thống tên lửa trên tàu hỏa" mới, được thiết kế là biện pháp phản công tiềm tàng đối với bất kỳ thế lực nào đe dọa Triều Tiên.
Các tên lửa đã bay 800 km rồi đánh vào mục tiêu nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên, KCNA cho biết.
Hôm 15/9, nhà chức trách Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết họ phát hiện vụ phóng hai tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, chỉ vài ngày sau khi nước này thử tên lửa hành trình mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra cùng ngày Hàn Quốc thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên không có vũ khí hạt nhân phát triển một hệ thống như vậy.
Hai miền bán đảo Triều Tiên đang chạy đua vũ trang ngày càng gay gắt. Cả hai bên đều tiết lộ họ có các tên lửa và những loại vũ khí khác mạnh hơn trước.
Tuy nhiên, các vụ thử của Triều Tiên - nước có vũ khí hạt nhân - làm cho cộng đồng quốc tế lên án và lo ngại, trong đó, Hoa Kỳ cho rằng Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã và đang phát triển đều đặn các hệ thống vũ khí, càng gây khó thêm cho các cuộc đàm phán đã bị đình trệ nhằm xóa bỏ các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Vụ thử của Triều Tiên do một trung đoàn tên lửa trên tàu hỏa thực hiện và trung đoàn này được thành lập hồi đầu năm nay, KCNA cho biết.
"Hệ thống tên lửa trên tàu hỏa đóng vai trò là phương tiện phản công hiệu quả có khả năng giáng đòn mạnh và đồng loạt để đánh trả các thế lực đe dọa", Thống chế Triều Tiên Pak Jong Chon, người giám sát vụ thử, nói. Ông này cũng là ủy viên Đoàn Chủ tịch Bộ Chính trị của đảng Công nhân cầm quyền của Triều Tiên, theo tin của KCNA.