Xử Thanh!
Hai tuần lễ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng bí thư Trọng đã quyết định tung ra một nước cờ mạo hiểm trong cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của đảng nhưng chắc chắn có liên quan mật thiết đến bước đường công danh tại vị của cá nhân ông: khẩn trương đưa vụ Trịnh Xuân Thanh và giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm ra xét xử vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018.
Chỉ đạo trên được nêu ra trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 25/11/2017, với sự có mặt của “cánh tay phải” của Tổng bí thư Trọng là Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương và đồng thời là “thành viên thường trực ban bí thư” - một cách gọi thay cho vai trò của người vẫn còn là Thường trực ban bí thư - Đinh Thế Huynh - nhưng bệnh mãi vẫn không chịu khỏi.
Một cách chính thức sau 4 tháng kể từ thời điểm nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” theo cách gọi của Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức hay “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện đầu thú” theo lối đặt câu của Bộ Công an Việt Nam, ông Trọng đã quyết định đưa nhân vật từng khiến ông mất ngủ ra xét xử.
Vô hình trung, động thái trên có thể khiến dư luận nhớ lại một luồng quan điểm phát ra từ nội bộ đảng vào đầu tháng 8/2017, ngay sau khi “Thanh về”: “Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”.
Trả giá!
Quan điểm “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” cho rằng “Để bắt được Trịnh Xuân Thanh là vấn đề không dễ và Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội”, và “Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng’.
Chỉ có điều, phía Việt Nam đã không thể hình dung cái giá phải trả là quá cao. Sau vụ vài nhân viên ngoại giao bị xem là tình báo bị Đức trục xuất vào tháng 8/2017, đến tháng Mười Chính phủ Đức đã tung ra một cú giáng không thể tưởng tượng: tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Sang tháng Mười Một, Đức còn hủy cả một hiệp định Đức - Việt miễn visa cho cán bộ ngoại giao Việt Nam đi công tác ở Đức và còn trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao nữa trong tòa đại sứ Việt Nam ở Đức.
Trong tương lai gần, hành động trừng phạt từ người Đức vẫn có thể tiếp diễn…
“Thanh trước Thăng sau”?
Trong khi đó trên phương diện “đối nội”, người ta nhận ra thái độ có vẻ tự tin của Tổng bí thư Trọng khi ông công bố thời điểm xử vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 2 vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018 - một hành động tương tự việc ông Trọng cho công luận biết về thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 6 là vào tháng 10/2017.
Với thái độ tự tin trên, ông Trọng đang ấp ủ hy vọng giành chiến thắng?
Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 2 lại liên quan đến một nhân vật đặc biệt: Đinh La Thăng.
Ông Thăng được xem là một trong những người thân tín của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt vào thời ông Thăng còn là chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) giai đoạn 2006 - 2010.
Vào các tháng Tư và Năm năm 2017, Đinh La Thăng bất ngờ “ngã ngựa” bởi một kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những sai phạm của ông Thăng thời ở PVN là “rất nghiêm trọng”. Tuy nhiên sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị, Đinh La Thăng vẫn còn giữ được ghế ủy viên trung ương đảng, thậm chí còn không bị ông Trọng “điểm danh” tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017.
Tại kỳ họp quốc hội Việt Nam tháng 10 - 11 năm 2017, thậm chí ông Đinh La Thăng còn ngự ngay ở hàng ghế đầu.
Tại phiên xử phúc thẩm Hà Văn Thắm vào tháng 9/2017, một tín hiệu “bắt” hướng đến Đinh La Thăng đã phát ra khá rõ. Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bào chữa cho nhân vật Nguyễn Xuân Sơn - đã bất ngờ tung ra văn bản do ông Đinh La Thăng ký khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, với nội dung yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại OceanBank.
Ngay sau khi Hà Văn Thắm của OceanBank bị Viện Kiểm sát đề nghị án chung thân, còn Nguyễn Xuân Sơn của Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu còn nặng hơn - tử hình, Hội đồng xét xử đã trực chỉ Đinh La Thăng với yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ vụ 800 tỷ đồng của PVN gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm…
Lẽ tất nhiên sau chỉ đạo đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh và Hà Văn Thắm giai đoạn 2 của Tổng bí thư Trọng, rất nhiều người đang hình dung ra một kết cục “xử Thanh trước, Thăng sau” và sẽ không còn an toàn đối với Đinh La Thăng.
Một lần nữa kể từ tháng 10/2017, một số tờ báo nhà nước bắt đầu hấp hé đề cập về “chữ ký Đinh La Thăng” liên quan đến vụ 800 tỷ đồng của PVN gửi OceanBank.
Tuy nhiên bằng vào thái độ “hiền” hẳn của ông Trọng về chống tham nhũng ngay sau Hội nghị trung ương 6, cũng có những dư luận đang đặt dấu hỏi về hiện tượng “lò nguội” của ông. Để nếu hiện tượng này trở thành một cái gì đó thực chất, vụ xét xử Hà Văn Thắm giai đoạn 2 sẽ vẫn chỉ là những cái tên cũ hoặc “tép”, mà không có Đinh La Thăng.
Cần nhắc lại, quan điểm “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” cũng cho rằng “Nếu không “đánh rắn dập đầu” thì bọn tham nhũng sẽ phản đòn và tiếp tục ngóc đầu dậy chống đối quyết liệt hơn”.
Vào tháng 9/2016, ngay trước Hội nghị trung ương 4 của đảng cầm quyền về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, một cây viết mang tính tín hiệu chính trị là Huy Đức đã tung ra bài ‘THANH hay THĂNG’ , báo hiệu cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng CSVN sẽ bùng nổ sau đó.
Bài ‘THANH hay THĂNG’ về thực chất là một bài điều tra án kinh tế. Ý chính của bài này là vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), nơi mà Trịnh Xuân Thanh làm lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn hơn nhiều là doanh nghiệp chủ quản của PVC - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nơi mà trước khi về cái ghế bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã làm chủ tịch hội đồng thành viên.
Huy Đức kết luận trong bài ‘THANH hay THĂNG’: “Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là “tan hoang”. Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ “xảy ra ở PVC” mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng”.
Có thể hình dung, bài viết trên đang hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một “quy trình” mới: PVN.
Thực tế sau đó đã xác minh rằng bài ‘THANH hay THĂNG’ của Huy Đức là điểm mở đầu cho một chiến dịch truyền thông “chống tham nhũng” để kết thúc số phận của “hổ” Đinh La Thăng trong Bộ Chính trị.
Hai mặt trận
Giờ đây, cho dù Tổng bí thư Trọng có hình dung ra hay không, nhưng trên thực tế nước cờ “Thanh hay Thăng” của ông đang khiến ông cùng lúc phải tác chiến trên cả hai mặt trận: với các đối thủ chính trị của “thời kỳ trước” lẫn “thời nay”, và với Nhà nước Đức.
Hai mặt trận trên lại có chung một gạch nối: Trịnh Xuân Thanh.
Nếu ông Trọng hoàn tất chiến dịch “xử Thanh và Thăng” tại tòa án của mình một cách trọn vẹn, nghĩa là “đánh dập đầu rắn”, mục tiêu “giải quyết đối nội” sẽ cơ bản đạt được và sẽ mang lại một vị thế chính trị lẫn uy tín khá chắc chắn trong nội bộ đảng cầm quyền cho “Sỹ phu Bắc Hà”, thậm chí còn được tiếp tục đẩy lên tầm cao với những danh xưng chưa từng có “Minh quân” và…“Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”!
Nhưng nếu chỉ “giơ cao đánh khẽ” hoặc hành xử lưng chừng theo lối “đập chuột sợ vỡ bình”, “lò” của ông Trọng sẽ có thể bị nguội hẳn mà rất khó hun nóng lại, để chính bản thân ông Trọng sẽ phải đối mặt với nguy cơ từ các đối thủ chính trị trong nước về “phải giữ đúng cam kết nghỉ giữa nhiệm kỳ khóa 12”, lẫn sức ép từ người Đức về không chỉ quan hệ ngoại giao mà cả về tương lai quá đen tối của EVFTA.