Các cuộc tấn công kỳ lạ - từ việc bị đầu độc bằng trà có pha polonium hoặc chạm vào chất độc thần kinh chết người - cho đến những vụ tấn công lộ liễu hơn là bị bắn ở cự ly gần. Một số vụ lao mình xuống cửa sổ, thiệt mạng.
Trong những năm qua, các nhà chỉ trích chính trị nhắm vào Điện Kremlin, các điệp viên phản bội và các nhà báo điều tra đã bị giết hoặc bị hành hung theo nhiều cách khác nhau. Chưa thấy có vụ nào bị thủ tiêu bằng một tai nạn hàng không. Nhưng hôm 23/8, một chiếc máy bay riêng chở thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người đã tổ chức một cuộc nổi dậy ngắn ngủi ở Nga, rớt xuống cánh đồng từ độ cao hàng nghìn mét sau khi vỡ tan.
Những vụ ám sát nhắm vào kẻ thù của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra thường xuyên trong suốt gần 1/4 thế kỷ ông nắm quyền. Những người gần gũi với các nạn nhân và một số ít người sống sót quy trách nhiệm cho chính quyền Nga, nhưng Điện Kremlin thường xuyên phủ nhận sự liên quan - như họ đã làm ngày 25/8 khi nói rằng đó là “hoàn toàn dối trá”, rằng Nga không dính líu gì đến vụ tai nạn máy bay vừa qua.
Cũng có báo cáo về việc các giám đốc điều hành nổi tiếng của Nga chết trong những hoàn cảnh bí ẩn, bao gồm cả việc rơi từ cửa sổ, mặc dù đôi khi rất khó xác định đó là cố ý giết người hay tự sát.
Một số trường hợp nổi bật về các vụ giết người hoặc âm mưu giết người được ghi lại:
Các đối thủ chính trị
Vào tháng 8 năm 2020, thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny lâm bệnh trên chuyến bay từ Siberia đến Moscow. Máy bay hạ cánh xuống thành phố Omsk, nơi ông Navalny nhập viện trong tình trạng hôn mê. Hai ngày sau ông được đưa đến Berlin và hồi phục.
Các đồng minh của ông gần như ngay lập tức nói rằng ông bị đầu độc, nhưng các quan chức Nga phủ nhận điều đó. Các phòng thí nghiệm ở Đức, Pháp và Thụy Điển xác nhận ông Navalny đã bị đầu độc bởi một chất độc thần kinh thời Liên Xô có tên là Novichok, chất mà ông cho biết đã được bôi vào quần lót của mình. Ông Navalny trở về Nga và trong tháng này bị kết án 19 năm tù về chủ nghĩa cực đoan. Đây là án tù thứ ba của ông trong vòng hai năm nay về các tội danh mà ông cho là có động cơ chính trị.
Năm 2018, ông Pyotr Verzilov, người sáng lập nhóm chống đối Pussy Riot, bị ốm nặng và cũng được đưa đến Berlin, nơi các bác sĩ cho biết việc đầu độc là “rất có lý”. Cuối cùng ông đã bình phục. Trước đó ông Verzilov đã khiến Điện Kremlin bẽ mặt khi nhào ra sân cỏ trong trận chung kết giải bóng đá thế giới ở Moscow cùng với ba nhà hoạt động khác để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát. Các đồng minh của ông cho biết ông có thể đã trở thành mục tiêu vì hoạt động tích cực của mình.
Nhân vật đối lập nổi tiếng Vladimir Kara-Murza đã sống sót sau những gì ông tin là âm mưu đầu độc ông vào năm 2015 và 2017. Lần đầu tiên ông suýt chết vì suy thận và nghi ngờ bị đầu độc nhưng không xác định được nguyên nhân. Ông đã phải nhập viện vì căn bệnh tương tự vào năm 2017 và ông được đặt trong tình trạng hôn mê. Vợ ông cho biết các bác sĩ xác nhận ông bị đầu độc. Ông Kara-Murza sống sót và luật sư của ông nói rằng cảnh sát đã từ chối điều tra. Năm nay, ông bị kết tội phản quốc và bị kết án 25 năm tù.
Vụ sát hại một đối thủ chính trị gây chấn động nhất trong những năm gần đây là vụ giết ông Boris Nemtsov. Từng là phó thủ tướng dưới thời ông Boris Yeltsin, ông Nemtsov là một chính trị gia nổi tiếng và là người chỉ trích gay gắt ông Putin. Vào một đêm tháng 2 năm 2015 ông bị những kẻ tấn công bắn chết trên cây cầu cạnh Điện Kremlin khi đang đi dạo cùng bạn gái, gây chấn động cả nước. Năm người đàn ông đến từ vùng Chechnya của Nga đã bị kết án, trong đó kẻ nổ súng nhận mức án 20 năm tù, nhưng các đồng minh của ông Nemtsov cho biết sự dính líu của họ là một nỗ lực nhằm chuyển trách nhiệm khỏi chính phủ.
Các cựu hoạt vụ tình báo
Năm 2006, nhân vật đào tị người Nga Alexander Litvinenko, cựu đặc vụ của KGB và FSB tức cơ quan kế nhiệm hậu Xô Viết của KGB, bị ốm nặng ở London sau khi uống trà có tẩm chất phóng xạ polonium-210 và qua đời ba tuần sau đó. Ông chết khi đang điều tra vụ bắn chết nhà báo Nga Anna Politkovskaya cũng như mối liên hệ bị cáo buộc của cơ quan tình báo Nga với tội phạm có tổ chức. Trước khi chết, ông Litvinenko nói với các nhà báo rằng FSB vẫn đang vận hành một phòng thí nghiệm chất độc có từ thời Liên Xô.
Một cuộc điều tra của Anh phát hiện ra rằng các đặc vụ Nga đã giết ông Litvinenko, có thể đã được ông Putin chấp thuận, nhưng Điện Kremlin phủ nhận mọi liên quan.
Một cựu sĩ quan tình báo Nga khác, Sergei Skripal, bị đầu độc ở Anh vào năm 2018. Ông và con gái Yulia ngã bệnh ở thành phố Salisbury và trải qua nhiều tuần trong tình trạng nguy kịch. Họ sống sót, nhưng vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của một phụ nữ Anh và khiến một người đàn ông và một nhân viên cảnh sát bị bệnh nặng.
Nhà chức trách cho biết cả hai đều bị đầu độc bằng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok. Anh quy trách nhiệm cho tình báo Nga, nhưng Moscow phủ nhận mọi vai trò. Ông Putin từng gọi ông Skripal, điệp viên hai mang của Anh, là “kẻ đê tiện” mà Điện Kremlin không quan tâm vì đã bị xét xử ở Nga và được trao đổi trong một vụ hoán đổi gián điệp.
Các ký giả
Nhiều nhà báo chỉ trích chính quyền ở Nga đã bị giết hoặc chịu những cái chết bí ẩn, mà đồng nghiệp của họ trong một số trường hợp quy trách nhiệm cho ai đó trong hệ thống cấp bậc chính trị. Trong các trường hợp khác, việc cơ quan chức năng miễn cưỡng điều tra đã làm dấy lên nghi ngờ.
Bà Anna Politkovskaya, ký giả của tờ báo Novaya Gazeta, đã bị bắn chết trong thang máy của tòa nhà chung cư ở Moscow của bà vào ngày 7 tháng 10 năm 2006 - sinh nhật của ông Putin. Bà được quốc tế ca ngợi vì đã đưa tin về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Chechnya. Tay súng đến từ Chechnya đã bị kết tội giết người và bị kết án 20 năm tù. Bốn người Chechnya khác bị kết án tù ngắn hơn vì liên quan đến vụ giết người.
Ông Yury Shchekochikhin, một phóng viên khác của Novaya Gazeta, chết đột ngột vào năm 2003. Ông Shchekochikhin chết khi đang tiến hành điều tra các giao dịch kinh doanh tham nhũng và vai trò có thể có của các cơ quan an ninh Nga trong vụ đánh bom chung cư năm 1999 do quân nổi dậy Chechnya thực hiện. Các đồng nghiệp của ông khẳng định ông bị đầu độc và cáo buộc nhà chức trách cố tình cản trở cuộc điều tra.
Yevgeny Prigozhin và các phụ tá
Vụ tai nạn máy bay hôm 23/8 được cho là đã giết chết ông Yevgeny Prigozhin và các phụ tá hàng đầu trong công ty quân sự tư nhân Wagner do ông sáng lập, xảy ra hai tháng sau ngày ông phát động một cuộc nổi dậy vũ trang mà ông Putin gọi là “một cú đâm sau lưng” và “phản quốc”. Mặc dù không chỉ trích ông Putin, nhưng ông Prigozhin chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Nga và đặt câu hỏi về động cơ gây chiến ở Ukraine.
Hôm 24/8, đánh giá sơ bộ của tình báo Mỹ cho thấy vụ tai nạn khiến toàn bộ 10 người trên máy bay thiệt mạng là do một vụ nổ có chủ ý gây ra, theo các quan chức Mỹ và phương Tây. Các quan chức phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép bình luận. Một người cho rằng vụ nổ phù hợp với “lịch sử lâu dài trong việc cố gắng bịt miệng những người chỉ trích ông ấy”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lời chia buồn tới gia đình những người có mặt trên máy bay, bao gồm cả chỉ huy lính đánh thuê Nga, Yevgeny Prigozhin.
Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, bác cáo buộc Điện Kremlin đứng sau vụ này. Ông nói với các phóng viên ngày 25/8: “Tất nhiên, ở phương Tây, những suy đoán đó được đưa ra dưới một góc độ nhất định và tất cả hoàn toàn là dối trá”.
Trong những bình luận công khai đầu tiên về vụ tai nạn, ông Putin dường như ám chỉ rằng giữa ông và ông Prigozhin không có mối quan hệ xấu nào. Nhưng người từng viết diễn văn của Điện Kremlin sau này trở thành nhà phân tích chính trị, Abbas Gallyamov, nói: “Ông Putin đã chứng minh rằng nếu bạn không tuân theo ông ấy thì chắc chắn, ông ấy sẽ loại bỏ bạn không thương tiếc, như kẻ thù, ngay cả khi bạn chính thức là một người yêu nước.”