Trực diện với quá khứ ở Hiroshima, TT Obama làm nên lịch sử

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima ngày 27/5/2016.

Tưởng niệm các nạn nhân của quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima 7 thập kỷ về trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói thế giới chia sẻ chung trách nhiệm phải ngăn chặn, để không bao giờ tái diễn những đau thương mà thành phố này của Nhật Bản đã trải qua.

Phát biểu hôm 27/5 tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng thống Obama nói:

“Chúng ta đứng đây, giữa thành phố này và cố tưởng tượng thời khắc quả bom rơi xuống. Chúng ta buộc mình phải cảm nhận nỗi sợ hãi của những đứa trẻ đang hoang mang về những gì chúng đã chứng kiến. Chúng ta lắng nghe tiếng khóc thầm lặng. Chúng ta tưởng nhớ tất cả những người vô tội đã bị giết trong cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh tàn khốc và những cuộc chiến tranh xảy ra trước cũng như sau đó”.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm nên lịch sử, đơn giản bằng cách sánh bước bên nhau đi qua công viên tưởng niệm Hiroshima. Một chiến đấu cơ Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945 trong những ngày tàn của Thế chiến thứ Hai, giết chết hàng chục ngàn người và khiến cả một thế hệ mắc phải những chứng do nhiễm phóng xạ gây ra.

Ông Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima. Sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Hòa bình, nhà lãnh đạo Mỹ nói:

“Chúng ta tới đây để khóc thương những người đã chết. Chúng ta chia chung trách nhiệm phải nhìn thẳng vào lịch sử. Chúng ta phải tự hỏi ta phải làm gì khác để ngăn, không cho tái diễn những sự đau thương ấy thêm một lần nào nữa”.

Tổng thống Obama kêu gọi mọi người hãy lay tỉnh lương tri liên quan tới các vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn tại Hiroshima. Nhưng ngày nay những trẻ em của thành phố này sinh hoạt trong hòa bình. Đó là điều đáng trân quý, phải bảo vệ và phải tiến xa hơn nữa, hãy bảo vệ tất cả mọi trẻ em. Đó là một tương lai mà chúng ta có thể chọn, một tương lai trong đó Hiroshima và Nagasaki được biết đến không phải như khởi đầu của chiến tranh nguyên tử, mà khởi đầu của sự tỉnh thức của lương tri”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đứng bên nhau trước Đài tưởng niệm Vòng cung, biểu tượng cho một ngôi mộ không người. Trên cấu trúc này có tạc hàng chữ: “Hãy yên nghỉ, bởi vì lỗi lầm này sẽ không được lặp lại”.

Công viên Hòa bình Nhật Bản không xác định lỗi lầm trong hàng chữ ấy là gì, liệu nó muốn nhắc đến các vụ thả bom nguyên tử của Mỹ, hay hành động hiếu chiến của người Nhật và cuộc chiến đã diễn ra trước hay sau các vụ đánh bom. Nhiều câu hỏi được giải đáp khác nhau tùy vào mỗi nước.

Nhưng giữa lúc hai nhà lãnh đạo tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại ngôi mộ không người, hai ông khẳng định rõ mục đích không phải là để mang quá khứ ra tranh luận, mà tập trung vào việc làm sao có thể hàn gắn vết thương, và đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất, chống bất cứ quyết định nào muốn sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai.