Trung Đông, Châu Âu tức giận về lệnh di trú của Trump

Một người đàn ông tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm di trú của Tổng thống Donald Trump tại sân bay quốc tế Los Angeles, ngày 28/1/2017.

Một ủy ban của quốc hội Iraq hôm Chủ nhật, 29/1, đề nghị chính phủ nước "hành động có qua có lại" đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump ban hành áp dụng với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo.

Chính phủ Iraq cho đến nay chưa bình luận công khai về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với người từ các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen.

Nhưng các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.

Và họ dự định sẽ cảnh báo với Tòa Bạch Ốc rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Các chính phủ các nước A-rập khác cũng đã không lên tiếng công khai về lệnh cấm, họ chọn cách vận động mạnh mẽ ở hậu trường với Washington.

Các lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và A-rập Xê-út sẽ nói chuyện bằng điện thoại hôm Chủ nhật với Tổng thống Trump. Và một quan chức ở Dubai đề nghị không nêu tên cho VOA biết là hai nước kể trên sẽ khuyến cáo Tổng thống Mỹ không nên bổ sung tên của hai nước vào danh sách các quốc gia trong lệnh cấm di trú.

Ở Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm, họ nói rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Hoa Kỳ.