Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắn chết 1 người và bắt giữ 21 người khác trong nỗ lực chặn đứng nhóm mà họ gọi là ‘các phần tử tôn giáo cực đoan’ khi nhóm này đang tìm cách băng qua biên giới Việt Nam bất hợp pháp.
Truyền thông Trung Quốc cũng như thông cáo trên website của thành phố Sùng Tả hôm 23/12 đều không nêu rõ nguyên quán và tôn giáo của nhóm này. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc trước nay thường cáo buộc cộng đồng người sắc tộc thiểu số Uighur theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương gây ra các vụ bạo động vì chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Bắc Kinh còn báo động rằng những ‘phần tử cực đoan tôn giáo’ trong nước đang tìm mọi cách vượt biên để tham gia huấn luyện cùng các nhóm chủ chiến.
AP dẫn nguồn tin từ chính quyền thành phố Sùng Tả cho hay công an được tin báo nhóm 22 người vừa kể tính vào lãnh thổ Việt Nam qua ngã thị trấn biên giới Bằng Tường, và 2 chiếc xe chở nhóm này đã bị công an phục kích vào tối 21/12.
Thông cáo nói 2 công an đã bắn chết 1 người trong nhóm khi người này đột nhiên nhảy ra từ bụi rậm và đâm dao vào công an trong lúc công an đang còng tay những người khác.
Lực lượng tăng cường đã hỗ trợ bắt giữ tổng cộng 21 người. Viên công an bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện địa phương.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong 20 tháng qua, khoảng 400 người đã thiệt mạng vì các vụ bạo động bên trong và bên ngoài Tân Cương và Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch 1 năm trấn áp điều mà họ mô tả là ‘các hoạt động khủng bố’ trong khu vực này.
Trong quá khứ đã có những trường hợp người Trung Quốc bỏ trốn, vượt biên giới vào Việt Nam.
Tháng tư năm nay xảy ra vụ nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, (tỉnh Quảng Ninh) khi bộ đội biên phòng Việt Nam tìm cách bắt giữ nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Vụ việc khiến 7 người chết trong đó có 2 chiến sĩ biên phòng Việt Nam. Trong số những người bị thương có 4 lính biên phòng Việt Nam.
Trong khi Trung Quốc tố cáo một số phần tử ly khai ở Tân Cương trốn ra nước ngoài để tham gia các cuộc thánh chiến Hồi giáo thì giới chỉ trích cho rằng người Uighur phải chạy trốn sự cai trị đàn áp của chính quyền Trung Quốc vì bị phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề về kinh tế trên chính quê hương của họ.
Nguồn: IBB Times, AP
Your browser doesn’t support HTML5