Giao thương của Trung Quốc với Iran vẫn tiếp tục thông thoáng, minh bạch và hợp pháp, Reuters trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 8/8, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa rằng công ty nào làm ăn với Iran sẽ bị cấm giao thương với Hoa Kỳ.
Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Iran đã có hiệu lực bất chấp các nỗ lực thuyết phục từ các đồng minh của Washington, theo Reuters.
Iran đã bác bỏ một đề nghị đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump đưa ra vào phút cuối. Tehran nói họ không thể đàm phán trong khi Washington đã rút khỏi hiệp ước năm 2015 theo đó sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lại việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân.
Bắc Kinh từ lâu đã thiết lập mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Tehran, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông cáo: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và thẩm quyền pháp lý đối với doanh nghiệp nước ngoài.”
Thông cáo nói thêm: “Hợp tác thương mại của Trung Quốc với Iran vẫn tiếp tục thông thoáng và minh bạch, hợp pháp, công bằng, không vi phạm bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ.”
“Các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc cần được bảo vệ,” thông cáo nói.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran, với số lượng khoảng 650.000 thùng dầu thô/ngày, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, tương đương khoảng 15 tỷ đôla/năm.
CNPC và Sinopec, hai công ty năng lượng quốc gia của Trung Quốc, đã đầu tư hàng tỷ đôla vào các mỏ dầu quan trọng của Iran như Yadavaran và Bắc Azadegan và đã xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.
Các nước châu Âu nói sẽ cố gắng giảm bớt những đòn trừng phạt này và thúc giục các công ty của họ không rút lui khỏi Iran.
Hiện không có nhiều công ty Mỹ kinh doanh ở Iran nên tác động của lệnh trừng phạt này chủ yếu xuất phát từ nỗ lực của Washingtin nhằm ngăn chặn các công ty châu Âu và châu Á giao thương với Iran.