Trung Quốc sẽ bắt đầu chế tạo các vệ tinh tiếp sóng mà đến năm 2030 sẽ vận hành như cầu nối liên lạc giữa các chuyến bay lên mặt trăng và các hành tinh xa hơn, và các hoạt động trên mặt đất, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 26/4.
Chùm vệ tinh nhân tạo thí điểm sẽ hỗ trợ chương trình thám hiểm mặt trăng đang diễn ra của Trung Quốc và việc xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), Tân Hoa Xã đưa tin, dẫn lời ông Ngô Diệm Hoa, bộ não chính của chương trình thám hiểm không gian xa của Trung Quốc.
Để khởi động việc xây dựng chùm vệ tinh - được gọi là Thước Kiều-2, tên một cây cầu do chim ác tạo thành trong truyền thuyết Trung Quốc – vệ tinh tiếp sóng liên lạc giữa nửa bên kia của mặt trăng và trái đất sẽ được phóng vào năm 2024 để hỗ trợ các chuyến bay không người lái lên mặt trăng trong thập kỷ này.
Trong năm 2024, Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu Hằng Nga 6 để lấy mẫu đất, đã từ một lòng chảo cổ đại ở phía bên kia của mặt trăng.
Tàu Hằng Nga 7 sẽ được phóng vào khoảng năm 2026 để thăm dò tài nguyên ở cực nam mặt trăng, với mục đích tạo điều kiện cho con người cư trú lâu dài.
Tiếp theo đó là tàu Hằng Nga 8 vào khoảng năm 2028, khi mô hình cơ bản của ILRS sẽ được xây dựng. Cho đến nay, Trung Quốc đã có được sự góp sức của Nga và Venezuela.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa các phi hành gia của họ lên mặt trăng vào năm 2030.
Trong giai đoạn kế tiếp, một chùm vệ tinh cơ bản sẽ được xây dựng vào khoảng năm 2040 để hỗ trợ liên lạc, điều hướng và viễn thám cho các sứ mệnh có người lái thám hiểm mặt trăng và không gian xa đến các hành tinh như sao Hỏa hay sao Kim, ông Ngô nói.
Vào năm 2020, tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 5 đã đưa về mrái đất mẫu đất mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đổ bộ lên mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2013 và đặt mục tiêu trở thành một cường quốc không gian vào năm 2030.