Trung Quốc bị xếp hạng chót thế giới về tự do Internet

Người sử dụng internet tại một quán cà phê internet ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Tự do Internet

Tự do Internet

47% sống ở những nước nơi việc tố cáo chính phủ hay doanh nghiệp có thể bị trấn áp hay trừng phạt

34% sống ở những nước nơi tiếng nói của các những người đồng giới, chuyển giới hoặc lưỡng giới đã bị ngăn chặn hoặc việc tiếp cận các nguồn lực bị chính quyền hạn chế

38% sống ở các nước nơi mạng truyền thông xã hội hay các áp dụng nhắn tin bị ngăn chặn trong năm vừa qua

34% sống dưới các chính thể cắt đứt đã liên lạc bằng internet hay điện thoại di động trong năm 2014-2015, thường là vì các lý do chính trị

Một bản phúc trình mới được công bố cho thấy mạng Internet đã trở nên ít tự do hơn cho hàng triệu người trên khắp thế giới trong năm 2015. Thông tín viên Richard Green của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Trong bản phúc trình thường niên lần thứ 6 về quyền tự do diễn đạt trên Internet, Freedom House, một tổ chức bất vụ lợi ở Mỹ, cho biết tự do Internet đã bị sút giảm tại 32 trong số 65 quốc gia được khảo sát.

Bà Laura Reed, một nhà nghiên cứu của Freedom House cho bản báo cáo "Tự do Mạng 2015," cho biết tình trạng này phát sinh phần lớn từ việc các cơ quan tình báo được dành cho nhiều quyền hạn hơn để thực hiện những hoạt động theo dõi điện tử nhắm vào công dân của họ.

Bà Reed cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tình trạng này thông qua việc các chính phủ ban hành những luật lệ và chỉ thị mới để nới rộng khả năng pháp lý của họ để thực hiện hoạt động theo dõi, để lưu giữ các dữ liệu của người sử dụng. Chúng tôi cũng nhận thấy sự phổ biến của các loại kỹ thuật theo dõi trên khắp thế giới, cả ở những nước dân chủ hơn lẫn ở những nước mà chính phủ đã lạm dụng những kỹ thuật đó trong quá khứ và đã dùng chúng để đàn áp những nhân vật tranh đấu nhân quyền, những nhà báo phê phán chính quyền và những nhóm khác."

Bà Reed cho hay các chính phủ cũng tăng cường những nỗ lực để loại hẳn ra khỏi Internet những nội dung mà họ cho là không phù hợp, thay vì chỉ ngăn chặn những nội dung đó. Ngoài ra, các chính phủ cũng đòi hỏi chính những công ty cung cấp dịch vụ Internet phải thực hiện việc này.

Bà Reed nói: "Và giờ đây, vì chúng tôi nhận thấy các chính phủ thật sự nhắm vào nội dung ngay tại nguồn của nó, cho nên đó là một việc hết sức đáng lo. Một mặt vì nội dung đó sẽ bị xoá bỏ vĩnh viễn, không ai có thể truy cập nó ở trong nước hay ở nước ngoài. Mặt khác, có những áp lực đi kèm đối với các công ty truyền thông xã hội, đối với các cá nhân thông qua những vụ truy tố hay những thủ đoạn hăm doạ khác. Do đó tôi nghĩ rằng điều đáng chú ý trong bản báo cáo năm nay là sự thay đổi trong cách thức thực hiện việc kiểm duyệt."

Việt Nam cũng bị xếp vào danh sách các nước không có tự do Internet.

​66 nước được khảo sát chiếm khoảng 88% số người sử dụng internet trên thế giới. 50 nước trong số đó bỏ tù những người sử dụng vì đã phổ biến trên mạng những ý kiến về các vấn đề chính trị, xã hội – tăng đáng kể so với con số 38 nước của năm ngoái.

Trung Quốc bị xếp hạng chót về tự do Internet. Kế đến là Syria và Iran. Việt Nam cũng bị xếp vào danh sách các nước không có tự do Internet.

Trung Đông là khu vực có tự do mạng ít nhất thế giới, vì Iran tiếp tục đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng và Ả rập Xê út tuyên án đánh roi và thậm chí án tử hình cho một số người phê phán trên Internet.

Các tác giả của bản báo cáo ghi nhận rằng hoạt động tranh đấu tiếp tục là lực đẩy chính cho sự nới rộng của tự do Internet và tự do diễn đạt, chẳng hạn như phán quyết có tính chất dấu mốc của Toà án Âu châu trong vụ kiện về “quyền được lãng quên,” một vụ án thoạt đầu là do các nhân vật tranh đấu Internet khởi kiện.