Bắc Kinh hôm nay lên tiếng cảnh báo Việt Nam và Ấn Độ không nên gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, trong khi Hà Nội và New Delhi ký kết các thỏa thuận thăm dò dầu khí.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước lân cận”.
Ông Hồng nói phía Bắc Kinh không phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí “hợp lý và chính đáng” ở biển Nam Trung Hoa, nhưng người phát ngôn này nói rằng Trung Quốc sẽ “mạnh mẽ phản đối” nếu “các hoạt động đó gây tổn hại tới chủ quyền và quyền lợi quốc gia” của Bắc Kinh.
Trước đó, chính phủ Việt Nam mới ra một thông cáo, cho biết nhiều thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm kéo dài hai ngày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ, trong đó có thỏa thuận khung hơp tác và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC Videsh) và Tổng Công ty dầu khí Việt Nam PetroVietnam.
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Dũng đã nói tới vấn đề hợp tác dầu khí Việt - Ấn.
“Việt Nam trân trọng và đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề biển Đông và về việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông”.
Trong một động thái mà giới quan sát nhận định rằng Việt Nam đang tìm cách lôi kéo sự hậu thuẫn của Ấn Độ trong vấn đề biển Đông, ông Dũng nói thêm rằng Hà Nội và New Delhi đã “nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, và việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Chuyến thăm của ông Dũng diễn ra chưa đầy một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranap Mukherjee. Dịp đó, đôi bên đã ký nhiều thỏa thuận, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.
Thời gian qua, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở biển Đông. Hồi năm 2012, ONGC Videsh đã phải từ bỏ việc thăm dò một lô ở biển Đông sau khi vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.
Trong một bài viết gửi cho VOA Việt Ngữ, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng cả “Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan tâm chung là duy trì mối quan hệ song phương hòa bình và vững mạnh. Việc Việt Nam tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và Nhật Bản cũng là một động lực thêm nữa để Bắc Kinh cạnh tranh tầm ảnh hưởng đối với Hà Nội”.
Trong chuyến công du châu Âu trong tháng này, Thủ tướng Việt Nam nói rằng có những 'diễn biến phức tạp' trong vấn đề biển Đông.
Ông Dũng cũng nói tới điều ông gọi là 'những bất ổn, căng thẳng vừa qua', nhưng không đề cập cụ thể tới giàn khoan dầu của Trung Quốc mà Việt Nam tuyên bố nằm trong thềm lục địa của mình hồi tháng Năm.
Nguồn: Reuters, AFP, VOA