Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “một con” đã áp dụng lâu nay và giờ đây họ cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có 2 con. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.
Kế hoạch được công bố hôm nay tiếp theo những cuộc họp chính trị kín cấp cao trong tuần này ở Bắc Kinh. Các nhà phân tích nói chính sách 2 con tuy là một biện pháp được hoan nghênh, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao sinh suất bị sút giảm hay lực lượng lao động bị co cụm.
Chính sách 2 con là một sự nới lỏng thêm, sau khi vào cuối năm 2013, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng mà một trong 2 người là con một, được phép sinh đứa con thứ hai.
Không còn sốt sắng nuôi con
Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con vào năm 1980 với cố gắng kiểm soát dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng việc thực thi nghiêm khắc biện pháp này, kể cả cưỡng bức phá thai, lâu nay vẫn là một nguồn gây tranh cãi bên ngoài Trung Quốc. Gần đây hơn, chính sách này đã bị cho là một lý do khiến lực lượng lao động trong nước bị co cụm với tốc độ đáng ngại.
Ông Khương Toàn Bảo, một vị giáo sư của Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông ở Tây An, nhận định như sau:
“Ngay cả trong trường hợp cho phép có 2 con, vẫn có quá nhiều người ở các thành phố có thể không muốn có đứa con thứ hai.”
Giáo sư Khương nói thêm:
“Nói một cách tương đối, dân chúng ở nông thôn có thể thích hơn. Nhưng một số thành phần dân chúng ở nông thôn đã được cho phép có 2 con rồi.”
Tổng cộng 19 tỉnh ở vùng nông thôn Trung Quốc đã áp dụng chính sách 2 con, cho phép các cặp vợ chồng có đứa con thứ hai nếu đứa con đầu là con gái, để giải quyết vấn đề mất quân bình giới tính trong cả nước.
Thế bí Dân số
Với dân số 1,37 tỷ, tổng lực lượng lao động của Trung Quốc tính đến cuối năm ngoái là 1 tỷ người, với khoảng 800 triệu gia nhập thị trường lao động. Nhưng đầu năm nay, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính đến năm 2020, thị trường này sẽ mất tới 1,55 triệu người mỗi năm, từ 2020 đến 2030 sẽ mất đi 7,9 triệu và từ 2030 đến 2050 sẽ mất đi tới 8,35 triệu.
Một sự sút giảm mạnh như vậy sẽ làm mất đi ưu thế của Trung Quốc như một nguồn lao động giá rẻ.
Về việc này, giáo sư Khương Toàn Bảo cho biết như sau:
“Giá thành lao động ở Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều, gây thiệt hại cho vị thế công xưởng thế giới của nước này. Vì giá thành lao động cao hơn, các nhà đầu tư quốc tế chắc chắn sẽ ngả qua các nước khác thay vì Trung Quốc.”
Theo giáo sư Khương, ngay cả với chính sách hai con mới này, sẽ phải mất 20 năm trước khi đợt bùng phát sinh sản có thể giúp giảm bớt vấn nạn thiếu lao động.
Tệ hơn nữa là dân số làm việc hiện nay từ các tỉnh ở vùng nông thôn buộc phải rời khỏi các thị trường lao động ở những thành phố sớm hơn dự kiến do giá nhà đất tăng cao và hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm khắc trong nước.
Điều đó đã gây những trở ngại lớn cho việc tận dụng toàn bộ lực lượng lao động trong nước, theo ông Đào Nhiên, giám đốc Trung tâm Kinh tế Công cộng tại trường Đại học Nhân dân.
“Nếu có thể thúc đẩy sự cải cách về đất đai và đăng ký hộ khẩu, thì tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động mới có thể được làm giảm nhẹ một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng toàn bộ dân số trong tuổi lao động từ các tỉnh nông thôn. Đây sẽ là một biện pháp điều chỉnh có hiệu quả nhanh hơn so với việc áp dụng chính sách 2 con”.