Trung Quốc vừa hạ thủy các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa điều hướng đầu tiên của nước này, theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc. Các tàu ngầm mới này giúp Trung Quốc có các phương án tấn công cả đối địa lẫn đối hải từng một thời chỉ có các tàu Mỹ và Nga mới làm được.
Báo cáo của Lầu Năm Góc, công bố ngày 20/10, được xem là sự xác nhận đầu tiên rằng các tàu ngầm cải tiến được nhìn thấy ở các xưởng đóng tàu của Trung Quốc trong 18 tháng qua chính là tàu ngầm mang tên lửa điều hướng Type 093B.
Reuters tiết lộ hồi tháng 5/2022 rằng hình ảnh vệ tinh từ nhà máy đóng tàu Huludao ở đông bắc Trung Quốc cho thấy một loại tàu ngầm mới hoặc là loại nâng cấp, có thể có các ống thẳng đứng để phóng tên lửa hành trình.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng trong ngắn hạn, hải quân Trung Quốc “sẽ có năng lực tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên đất liền từ tàu ngầm và tàu chiến trên mặt nước của họ bằng cách sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất, điều này đặc biệt tăng cường cho khả năng phô diễn sức mạnh của (Trung Quốc)".
Còn được gọi là tàu SSGN, các tàu ngầm mang tên lửa có đầu đạn thông thường được Liên Xô phát triển trong Chiến tranh Lạnh một phần là nhằm mục tiêu tấn công các tàu sân bay của Mỹ, trong khi Hải quân Mỹ đã phát triển phiên bản của riêng mình bằng cách hoán cải các tàu mang tên lửa đạn đạo để chúng mang theo số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk tấn công mặt đất.
Tên lửa hành trình thường là vũ khí tầm xa, chính xác, chúng không giống vũ khí đạn đạo và chúng bay ở tầm thấp hoặc lướt gần mặt biển.
Một số nhà phân tích cho rằng hải quân Trung Quốc (PLA) sẽ muốn sớm triển khai các tàu này làm vũ khí bổ sung chống các tàu sân bay cũng như làm cơ sở để tấn công đối địa, cho phép tấn công từ khoảng cách xa hơn nhiều so với các đội tàu ngầm tấn công nhỏ hơn của họ.
Báo cáo lưu ý rằng 3 trong số các tàu SSGN mới có thể đi vào hoạt động vào năm tới, như một phần trong kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm – bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân lẫn chạy bằng diesel - tổng cộng có thể lên tới 65 tàu vào năm 2025.
Sự xác nhận này được đưa ra trong bối cảnh có cuộc chạy đua vũ trang về tàu ngầm ngày càng gia tăng khi Trung Quốc chế tạo thế hệ tàu mới được vũ trang hạt nhân là một phần của lực lượng răn đe đang lớn mạnh của họ.
Collin Koh, học giả về lĩnh vực an ninh ở Singapore, nói rằng các tàu SSGN là một năng lực mới quan trọng đối với hải quân Trung Quốc.
Ông nói rằng với vũ khí cốt lõi được dự báo là tên lửa hành trình, “điều này có tiềm năng cho phép các tàu đó thực hiện các cuộc tấn công đối địa và đối hạm dồn dập, áp đảo từ khoảng cách xa”, và điều này sẽ làm phức tạp các tính toán chiến lược bên phía các đối thủ của Trung Quốc.
“Tôi cũng cho rằng Trung Quốc đã học được từ kinh nghiệm của Nga trong việc sử dụng chúng để đe dọa các tàu sân bay Mỹ – với các tàu SSGN, ta có thể tiến hành các cuộc tấn công ở tầm xa, không giống như một tàu ngầm tấn công thông thường có thể bị hạn chế hơn nhiều về các phương án vũ khí, và đó là một lợi thế thực sự”, vẫn lời ông Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam.