Trung Quốc có thể lo lắng trước mối quan hệ Nga-Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm một nhà máy chế tạo máy bay phản lực chiến đấu tại thành phố Komsomolsk-on-Amur vùng Khabarovsk, Nga, ngày 15/9/2023.

Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc, theo dõi hội nghị thượng đỉnh lịch sử Nga-Triều tuần này từ bên lề, có thể hoan nghênh sự thúc đẩy cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine nhưng lo ngại rằng quốc gia khách hàng lâu năm của họ ở Bình Nhưỡng có thể tuột khỏi tầm kiểm soát của họ.

Theo Thông tấn xã Yonhap ở Seoul, chuyến tàu chống đạn màu xanh lá cây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hướng tới Komsomolsk-on-Amur, một thành phố ở vùng Khabarovsk xa xôi của Nga, hôm 14/9 sau khi họp thượng đỉnh với ông Putin một ngày trước đó.

Tại Komsomolsk-on-Amur, ông Kim theo lịch trình gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và thăm cơ sở sản xuất máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi. Từ đó, ông sẽ hướng tới Vladivostok để thăm hạm đội Thái Bình Dương của Nga trước khi trở về Bình Nhưỡng.

Trung Quốc và Nga, các nước xã hội chủ nghĩa chuyên quyền, đã hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều thập niên. Hai bên trở nên thân thiết hơn bao giờ hết khi tìm cách chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Nhưng các chuyên gia cho rằng sự chuyển hướng của Triều Tiên hướng về Moscow có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy như thể ông Kim đã tìm được người theo đuổi mới.

Các chuyên gia cho biết, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim với ông Putin hôm 13/9 tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur của Nga đã thiết lập lại mối quan hệ chiến lược của Bình Nhưỡng với Moscow dựa trên nhu cầu và mục tiêu quân sự chung của họ.

Ông Putin cần đạn pháo và đạn dược để duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Ông Kim cần trợ giúp về mặt công nghệ để đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo sau những nỗ lực thất bại vào tháng 5 và tháng 8 năm nay.

Nhu cầu hội tụ đã đưa họ đến với nhau lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2019.

‘Đó là lý do chúng tôi đến đây’

Mặc dù thông tin cụ thể về hội nghị thượng đỉnh tuần này không được công bố trước công chúng, nhưng dường như cả ông Kim và ông Putin đều gợi ý rằng họ sẽ đáp ứng nhu cầu của nhau bất chấp các lệnh trừng phạt và lo ngại quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 13/9: “Mối quan hệ đang tiến triển giữa Nga và Triều Tiên hiện đang vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. “Chúng tôi không muốn thấy Nga ở vào vị thế có thể tăng cường khả năng xử lý cuộc xâm lược tại Ukraine và chúng tôi cũng không muốn thấy Triều Tiên được hưởng lợi từ bất kỳ công nghệ nào họ có thể nhận được từ Nga.”

Trước cuộc gặp, ông Putin đã đưa ông Kim đi tham quan sân bay vũ trụ và gợi ý ông sẽ cung cấp công nghệ vệ tinh mà ông Kim đang cố gắng hoàn chỉnh. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây,” ông Putin nói.

Trước cuộc gặp riêng, ông Kim nói Bình Nhưỡng sẽ sát cánh cùng Moscow trong “cuộc chiến chống lại các thế lực bá quyền” và cam kết cung cấp “sự hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện cho mọi biện pháp” mà Nga thực hiện trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Kim cũng cho biết mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Moscow là “ưu tiên hàng đầu”.

Ông Putin nói trước cuộc gặp trực tiếp rằng ông dự định thảo luận với ông Kim về các vấn đề bao gồm kinh tế, viện trợ nhân đạo và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tại buổi tiếp tân sau cuộc hội đàm, ông Putin đã chấp nhận lời mời của ông Kim, đồng ý tới thăm Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA.

Là nhà cung cấp viện trợ chính và đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, Trung Quốc trong nhiều năm đã nắm giữ đòn bẩy đáng kể đối với Bình Nhưỡng. Nhưng bây giờ, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy lo lắng rằng Bình Nhưỡng đang nghiêng quá nhiều về Moscow và bắt đầu tuột khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Gary Samore, cựu điều phối viên Toà Bạch Ốc về kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới thời chính quyền Obama, cho biết Trung Quốc có thể bị mâu thuẫn tư tưởng về các thỏa thuận vũ khí này.

Ông Samore nói: “Một mặt, Bắc Kinh muốn ông Putin sống sót trong cuộc chiến Ukraine, vì vậy họ có thể hoan nghênh viện trợ quân sự của Triều Tiên cho Nga”. “Mặt khác, Bắc Kinh có thể lo lắng rằng việc Nga chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và củng cố liên minh Mỹ-[Hàn Quốc]-Nhật Bản.”

Mỹ-Nhật-Hàn

Vào tháng 8, Washington, Seoul và Tokyo đã đồng ý tăng cường phòng thủ chống lại Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Trại David, Mỹ. Họ đồng ý tổ chức các cuộc tập trận ba bên thường xuyên và chia sẻ dữ liệu cảnh báo phòng thủ phi đạn đạn đạo sống động.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã nói chuyện với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 14/9 về cuộc gặp Putin-Kim và nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết tham vấn chống lại các mối đe dọa chung - một cam kết được đưa ra tại Trại David - và hợp tác trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không muốn sánh ngang với Nga trong việc cung cấp công nghệ vũ khí tiên tiến cho Triều Tiên, ít nhất là một cách rõ ràng. Họ nói rằng Bắc Kinh không muốn làm xấu đi hình ảnh quốc tế của mình bằng cách hỗ trợ một quốc gia bị ruồng bỏ, có nguy cơ làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ với Mỹ và có nguy cơ trở nên bị cô lập như Nga.

Ông Ken Gause, giám đốc các dự án đặc biệt cho Chương trình Phân tích Chính sách và Chiến lược tại tổ chức nghiên cứu CNA và là chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, cho biết Trung Quốc ngày càng muốn trở thành “một cường quốc thế giới” và đang suy nghĩ “toàn cầu, không chỉ khu vực”.

Ông Gause nói: “Họ không thể đi quá xa về vấn đề quốc phòng ở Đông Bắc Á vì nó có thể có tác động tiêu cực đến những gì họ đang làm trên thế giới”, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu của Bắc Kinh.

Ông Gause cho biết Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình đối với Nga để ngăn cản Moscow gây nguy hiểm cho an ninh của Đông Bắc Á khi cấp cho Bình Nhưỡng “tất cả các loại công nghệ nhạy cảm”.

Ông cho biết những gì Triều Tiên nhận được từ Nga sẽ cho thấy lập trường của Moscow đối với Bắc Kinh. Nếu Bình Nhưỡng có được công nghệ quân sự tiên tiến như công nghệ tàu ngầm thì điều đó cho thấy “Nga đang vô cùng tuyệt vọng” và “Nga không quan tâm đến những gì Trung Quốc nói”.

Hợp tác kinh tế với Trung Quốc

Nga đã trở nên phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc kể từ khi xâm lược Ukraine, dẫn đến nhiều chế tài từ Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này.

Ông Putin nói tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 12/9 rằng hợp tác kinh tế của Moscow với Bắc Kinh đã “đạt đến mức rất cao”, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 13/9, theo hãng tin Interfax có trụ sở tại Moscow, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có kế hoạch thăm Moscow vào ngày 18/9 để hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Bất chấp những khác biệt có thể tồn tại giữa ba quốc gia chuyên quyền, ông Zack Cooper, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia tại Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói sẽ khó có thể tạo ra “một chia rẽ nghiêm trọng” trong Quan hệ giữa Bắc Kinh-Moscow- Bình Nhưỡng khi họ “ngày càng” đi theo hướng chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/9 rằng “Trung Quốc và Nga đã liên lạc chặt chẽ về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực”.