Cơ quan quản lý du lịch của chính phủ Trung Quốc đang xem xét tới việc siết chặt luật lệ để quản lý những tour du lịch giá rẻ, sau khi xảy ra cái chết của một du khách Trung Quốc tại Hồng Kông. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.
Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã tìm cách áp dụng những sự trừng phạt đối với những công ty lữ hành tổ chức những tour mua sắm ép buộc, nhưng điều đó không làm được gì nhiều để ngăn chặn tệ nạn này. Giờ đây, giới hữu trách đang tính tới chuyện trừng phạt khách du lịch.
Trong một thông cáo phổ biến trên mạng hôm chủ nhật, Tổng cục Du lịch cho biết họ đang nghiên cứu những biện pháp trừng phạt đối với những du khách ký “hợp đồng giả mạo” với các công ty lữ hành để tham gia những tour du lịch giảm giá. Những hợp đồng này bề ngoài phù hợp với các luật lệ của chính phủ về những tour du lịch giá rẻ, nhưng trên thực tế thì du khách biết rõ họ được giảm giá chỉ vì khi tới địa điểm du lịch họ sẽ phải tốn nhiều tiền cho việc mua sắm. Các cửa tiệm, nơi du khách đến mua sắm, sẽ trả tiền huê hồng cho các công ty du lịch.
Thảm kịch Tour
Quyết định của cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc được loan báo sau khi ông Miêu Xuân Khởi, một du khách Trung Quốc 54 tuổi, bị đánh bên ngoài một cửa hàng nữ trang và chết vì đột quỵ hồi đầu tuần trước ở Hồng Kông.
Nạn nhân này đã tìm cách can ngăn một vụ cãi cọ giữa hai người đi chung tour với ông với những người hướng dẫn du lịch sau khi họ không chịu mua hàng.
Tour du lịch gồm 20 người này đã được tổ chức bởi một công ty lữ hành có trụ sở chính ở Thâm Quyến. Mỗi người tham gia trả 300 nhân dân tệ, tương đương với 47 đô la, cho chuyến du lịch mua sắm 3 ngày ở Hồng Kông.
Ông Trần Vĩnh Kiệt, giáo sư môn quản lý khách sạn và du lịch của Đại học Kỹ thuật Hồng Kông, cho biết công ty lữ hành đã có những hành vi phạm pháp.
"Ở một mức độ nào đó, họ đã phạm tội ở hai chỗ. Chỗ thứ nhất là những người đó đã bán những chuyến du hành với giá thấp hơn giá thành. Đó là việc xảy ra ở Trung Quốc. Một hành vi khác có thể được xem là tội phạm là những người tham gia tour du lịch bị ép buộc mua sắm. Đây là nơi mà những công ty lữ hành kiếm tiền. Hơn 60% tiền lời của những món hàng được bán ra lọt vào tay họ."
Bị cấm ở Trung Quốc
Các cơ quan quản lý du lịch, cả ở Hồng Kông lẫn ở Trung Quốc, lâu nay đã có những luật lệ cấm chỉ những tour du lịch với giá rẻ mạt.
Giới hữu trách Trung Quốc đã doạ thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc phạt tới 47.300 đô la cho những công ty lữ hành dụ dỗ du khách bằng cách rao bán các tour du lịch với giả rẻ một cách vô lý, thấp hơn giá thành, rồi sau đó buộc họ phải mua sắm tại những cửa tiệm do công ty chỉ định. Nhưng cho đến nay, cách chiêu dụ này vẫn khá thịnh hành mặc dù các tour du lịch “miễn phí” bị giới hữu trách cấm chỉ.
Một lãnh vực duy nhất mà giới hữu trách dường như đã có được một số tiến bộ là khi các tour du lịch được quảng cáo trên mạng. Hồi đầu tháng 3, hai công ty lữ hành mạng “tiriu.com” và “ly.com” đã được lệnh phải huỷ bỏ một tour khuyến mãi mà người tham gia chỉ trả một nhân dân tệ, tương đương với 0,16 đô la.
Bà Liên Úc Khanh, giám đốc công ty lữ hành Đại Hoa, nói rằng nếu giới hữu trách áp dụng các biện pháp trừng phạt du khách thì đó là điều rất khó chấp hành.
"Trung Quốc là một nước quá lớn. Mệnh lệnh của trung ương khó lòng có thể được chấp hành bởi các chính quyền tỉnh hoặc chính phủ thành phố cấp ba, cấp bốn. Sự chấp hành không cách nào có thể được quán triệt."
Bà Liên nói thêm rằng phải mất vô số nguồn lực để theo dõi những cách thức kinh doanh trái phép như vậy, và tại những nơi thiếu sự giám sát, các công ty lữ hành làm ăn khó khăn sẽ tìm cách mạo hiểm.
Không cần cấm
Tuy nhiên, theo bà Tăng Lệ, giáo sư ngành du lịch của Đại học Sư phạm Giang Tây, trong các nền kinh tế thị trường tự do, chính quyền không cần phải cấm đoán những tour giá rẻ hoặc những sự sắp xếp về việc mua sắm, miễn là trong hợp đồng có ghi rõ sự đồng ý của người tham gia.
"Một số người dùng thời giờ của họ để chi trả cho dịch vụ mà họ nhận được, trong khi những người khác chi trả cho những dịch vụ cao cấp bằng tiền của họ. Do đó, chúng ta không thể nói rằng tour giá rẻ là không hợp lý."
Bà Tăng cho rằng các du khách nên bị buộc phải chịu trách nhiệm nếu họ không có mặt ở cửa tiệm trong khoảng thời gian đã qui định rõ trong hợp đồng. Nhưng bà nói thêm rằng phải có một lằn ranh rõ ràng khi du khách bị “giam” trong tiệm và bị ép buộc mua sắm, vì làm như vậy là phạm tội.
Ông Đổng Diêu Trung, giám đốc Hội đồng Kỹ nghệ Du lịch Hồng Kông, hoan nghênh quyết định của giới hữu trách Trung Quốc.
"Chúng tôi hy vọng những du khách Hoa Lục khi họ ra nước ngoài họ sẽ được bảo vệ tốt hơn trong tư cách là những người tiêu thụ. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng cũng có những phương diện mà người tiêu thụ phải tự lo liệu để bảo vệ quyền lợi của mình."
Ông Trần Vĩnh Kiệt của Đại học Kỹ thuật Hồng Kông không tán đồng ý kiến đó và cho rằng sẽ có phản tác dụng nếu du khách bị trừng phạt.
"Cho dù họ bị những người bán hàng ở Hồng Kông đánh đập thì họ cũng không khiếu nại, bởi vì họ hiểu rằng nếu họ khiếu nại thì khi họ trở về Trung Quốc họ sẽ bị trừng phạt. Do đó tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn không hợp lý và không công bằng."