Trung Quốc do dự, không cáo buộc Nga về vụ máy bay Malaysia

Một chiến binh thân Nga canh gác tại nơi rơi máy bay Malaysia Airlines.

Vụ tấn công bằng phi đạn vào một chiếc máy bay dân sự bay cao trên vùng trời miền đông Ukraine làm 298 người trên máy bay thiệt mạng, được xem như một thời điểm mấu chốt trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc nói chiến tranh tại đây là một cuộc tranh chấp nội bộ cần được thương thuyết một cách hòa bình. Tuy nhiên Trung Quốc đã không tham dự các chế tài do phương Tây lãnh đạo chống lại Moscow.

Sau vụ máy bay MH17 rớt, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế chia buồn cùng các nạn nhân và gia đình.

Trong một thông cáo được công bố ít lâu sau thảm kịch này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết xúc động về vụ rớt máy bay và hy vọng sẽ sớm tìm ra được nguyên nhân.

Tuy nhiên trong khi một số nước, gồm có Australia và Hoa Kỳ đổ lỗi cho Nga vũ trang cho phiến quân tại Donetsk và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với phi đạn bắn rơi chiếc máy bay - Trung Quốc đã tự chế không đưa ra lời buộc tội nào.

Ông Chu Phong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Bắc Kinh, nói Trung Quốc sẽ không vội vã đưa ra một kết luận quá sớm, và sự nghiêm trọng của biến cố này kêu gọi phải có một cuộc điều tra quốc tế độc lập.

Ông nói: “Nếu Nga bị xét thấy chịu trách nhiệm trong vụ này, thì Nga sẽ phải gánh chịu trách nhiệm. Tuy nhiên chúng ta không thể chỉ lấy một kết luận và nói rằng Nga chắc chắn đứng đằng sau vụ này.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra thông điệp tương tự trong một bài xã luận hôm thứ Sáu.

Tân Hoa Xã viết: “Giữa lúc chưa có những chứng cứ thuyết phục về việc ai là người chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi chiếc máy bay Malaysia MH17 không may này trên vùng trời miền đông Ukraine, bất cứ việc kết luận vội vã nào về vụ máy bay rớt chỉ làm hại cho các nỗ lực điều tra vô tư và làm dịu tình hình.”

Bài xã luận trích lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Ukraine chịu trách nhiệm vì thảm họa này xảy ra trên lãnh thổ nước này.

Ông David Zweig, giáo sư chính trị tại trường đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói việc tự chế của Trung Quốc phản ánh lập trường nước đôi của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp tại Ukraine.

Ông nói: “Lập trường này rất phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về những phần tử ly khai tại miền đông Ukraine, một mặt Trung Quốc không thích những phần tử này nhưng mặt khác Trung Quốc cũng không muốn làm tổn hại đến những quan hệ với Tổng thống Putin.”

Việc Nga sáp nhập Crimea cũng như chứng cứ ngày càng tăng là ông Putin đang bảo trợ cho các lực lượng phiến quân tại miền đông Ukraine không được chấp nhận tại Trung Quốc.

Bắc Kinh từ lâu ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào việc nội bộ các nước khác cũng như tại Trung Quốc. Trung Quốc đổ lỗi cho các phần tử ly khai làm cho căng thẳng tăng cao tại những khu vực đa dạng về sắc tộc như Tây Tạng và Tân Cương.

Giáo sư Zweig nói: “Nếu các phần tử ly khai tại Ukraine bị mang tiếng xấu, việc này không tổn hại đến Trung Quốc, chỉ khi nào việc này có liên hệ nhiều hơn đến Nga thì lúc đó Trung Quốc mới quan tâm nhiều hơn.”

Đẩ đáp ứng với vụ máy bay rớt, Hoa Kỳ loan báo sẽ nới rộng phạm vi chế tài đối với Nga.

Trong khi các nhà phân tích tại Trung Quốc nói thảm kịch này có thể dấy động thêm sự chú ý đến cuộc tranh chấp tại Ukraine, nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ không ủng hộ những chế tài hay công khai làm nhục Nga.