Trung Quốc hôm 9/1 đe dọa các biện pháp thương mại mới chống lại Đài Loan, trong khi Đài Loan tố cáo Bắc Kinh “uy hiếp kinh tế” trước cuộc bầu cử quan trọng vào cuối tuần trên hòn đảo này và cũng bày tỏ sự tức giận trước việc Trung Quốc bất ngờ phóng vệ tinh qua không phận của họ.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 đang diễn ra trong bối cảnh khẩu chiến gay gắt giữa Đài Loan và Trung Quốc, vốn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Đài Loan.
Chính phủ Đài Loan cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch can thiệp bầu cử chưa từng có, sử dụng mọi thứ từ hoạt động quân sự đến trừng phạt thương mại để chuyển phiếu về phía các ứng cử viên mà Bắc Kinh có thể ưa thích.
Trung Quốc coi cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, đồng thời cho rằng các cáo buộc can thiệp là “thủ đoạn bẩn thỉu” của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền ở Đài Loan nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ.
Ứng cử viên tổng thống của DPP Lại Thanh Đức hôm 9/1 nói ông sẽ duy trì hiện trạng và theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh nếu đắc cử, vẫn để ngỏ khả năng giao tiếp với Bắc Kinh với các điều kiện tiên quyết là bình đẳng và phẩm giá.
Bắc Kinh tố cáo ông là người theo chủ nghĩa ly khai và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan đều có nghĩa là xung đột.
Mặc dù vậy, ông Lại cam kết sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc.
Ông Lại nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Hòa bình là vô giá và chiến tranh không có người chiến thắng”. “Hòa bình mà không có chủ quyền cũng giống như Hong Kong. Đó là hòa bình giả tạo.”
Bắc Kinh không bị lay chuyển trước những nỗ lực tiếp cận của ông Lại.
Vào tối 9/1, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ đang xem xét các bước tiếp theo để đình chỉ nhượng bộ thuế quan đối với các sản phẩm bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp, máy móc, phụ tùng ô tô và dệt may từ Đài Loan, tiếp nối động thái như vậy được thực hiện đối với một số sản phẩm hóa dầu vào tháng trước.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói: “Chính quyền Đài Loan đã không thực hiện các biện pháp hiệu quả để dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc. Thay vào đó, họ đã tham gia vào các hoạt động chính trị nhằm cố gắng đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm”.
Văn phòng Đàm phán Thương mại của Đài Loan phản ứng bằng cách kêu gọi Trung Quốc “ngưng ngay việc sử dụng biện pháp uy hiếp kinh tế để cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan”.
Báo động giả và khí cầu Trung Quốc
Thêm vào bầu không khí căng thẳng, một cuộc họp báo hôm 9/1 tại Đài Bắc của Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã bị gián đoạn bởi âm thanh của cảnh báo trên điện thoại di động từ chính phủ cảnh báo về một cuộc không kích có thể xảy ra của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng sau đó đã phải xin lỗi sau khi bản cảnh báo bằng tiếng Anh đề cập đến “phi đạn” nhưng trong tiếng Trung là “vệ tinh”. Cảnh báo được đưa ra cùng thời điểm truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận việc phóng một vệ tinh khoa học.
Tuy nhiên, ông Ngô mô tả vụ phóng này là một phần của mô hình quấy rối đối với Đài Loan, giống như những trường hợp khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện phía trên hòn đảo này gần đây.
“Với những mối đe dọa như vậy đối với Đài Loan, tôi nghĩ chúng ta nên tỉnh táo và không nên bị khiêu khích”.
Phe đối lập Đài Loan đã nhảy vào cuộc, đổ lỗi cho chính phủ đã đánh lừa công chúng.
Đài Loan đã phàn nàn kể từ tháng trước về việc khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan nhạy cảm, một số đã đi qua hòn đảo này, điều mà Bộ Quốc phòng Đài Loan gọi là nỗ lực chiến tranh tâm lý, mặc dù không trực tiếp nói rằng các khinh khí cầu này nhằm mục đích gián điệp.
Bộ Quốc phòng cho biết trong cuộc họp báo riêng hôm 9/1 rằng họ chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của khinh khí cầu và hiện không xem xét việc bắn hạ chúng.
Ông Wang Chia-chun từ phòng kế hoạch chiến đấu chung của Bộ cho biết: “Chúng tôi sẽ không tấn công và tiêu diệt do sự quấy rối của khinh khí cầu”.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thường tránh bình luận công khai về cuộc bầu cử, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu đầu năm rằng việc Trung Quốc “thống nhất” với Đài Loan là điều không thể tránh khỏi.
Ông Lại nói với các phóng viên rằng cuộc bầu cử sẽ đóng vai trò như một “bằng chứng cho cam kết của chúng tôi đối với nền dân chủ” đồng thời lưu ý rằng sự can thiệp bầu cử mà Trung Quốc bị cáo giác là “nghiêm trọng nhất”.