Trung Quốc: Hồi Giáo phát triển trong vùng Ninh Hạ

  • Stephanie Ho

Đền thờ Hồi giáo ở Ninh Hạ

Hồi Giáo tại Trung Quốc đang phát triển với con số chính thức là hơn 20 triệu tín đồ. Tuy nhiên giống như tất cả các vùng khác, nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ những hoạt động Hồi Giáo.

Ngôi đền Hồ Nạp Giáp tại Ninh Hạ cổ hơn 500 năm và là một trong những ngôi đền cổ nhất còn tồn tại tại Trung Quốc.

Ông Na, một dân làng, 74 tuổi nói ông nhớ lúc các Hồng Vệ binh cố triệt hạ ngôi đền trong cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970, khi những người Hồi Giáo bị ngược đãi, không cho phép thờ phượng khiến một số người phải tự tử. Ông nói:

“Những người già chống lại, và ngôi nền này cũng trở thành một xưởng làm đồng nên Hồng Vệ binh không thể hủy hoại được.”

Ông Na là một trong 10 triệu người Hui, con cháu của những người Ả Rập và người Ba Tư buôn bán trên Con đường Tơ lụa ở lại và lấy nhau. Ông nói đời sống của những người Hồi Giáo Trung Quốc được cải thiện một cách đáng kể trong những thập niên gần đây:

“Kể từ khi có cải cách và cởi mở, mọi chuyện trở nên rất tốt, tốt đến nỗi tôi không thể nói thành lời được.”

Người Hui là người Hồi Giáo đông nhất tại Trung Quốc. Họ hội nhập vào xã hội Trung Quốc tốt hơn người Uighur tại Tân Cương, nói một thứ tiếng khác.

Tuy nhiên ông Lô Chí Minh, người đứng đầu Ủy ban quản trị ngôi đền nói ông nghĩ là chính phủ nên quản lý tất cả những người Hồi Giáo trong nước:

“Trong vài năm qua, sau khi có những thay đổi to lớn xảy ra trong các nước Hồi Giáo, Trung Quốc đã thi hành một hệ thống “quản lý theo luật” do đó chúng tôi không có những vấn đề trong khu vực chúng tôi như là không đoàn kết và hòa hợp.”

Chính phủ giữ 10 trường đại học Hồi Giáo trên khắp Trung Quốc và cũng cho phép thành lập những trường Hồi Giáo không thuộc chính phủ nữa.

Học giả Hồi Giáo Trung Quốc Mã Bình, giám đốc Viện người Hui và Hồi Giáo ỏ Ninh Hạ nói chính phủ có tiêu chuẩn căn bản để quản lý những giáo sĩ Hồi Giáo và những sinh viên:

“Nếu bạn muốn có giấy phép để trở thành giáo sĩ, bạn cần được chính phủ chứng nhận. Sau khi bạn có giấy chứng nhận, bạn có thể đến một ngôi đền và trở thành một giáo sĩ.”

Ông Mã nhấn mạnh người Hui thường hòa bình, dù có một sự kiện mới đây là dân làng đụng độ với nhà cầm quyền Ninh Hạ vì đã giật sập ngôi đền vừa mới xây.

Ông Mã nói nguyên nhân của vụ này rất rõ ràng, dân làng không được phép của chính phủ, và do đó ngôi đền được xem là bất hợp pháp.
http://www.voanews.com/flashembed.aspx?t=vid&id=1252849&w=640&h=429&skin=embeded