Trung Quốc đã khoan sâu trong lòng Biển Đông để rút lõi trầm tích lên từ đáy biển, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay hôm 8/4, giữa lúc căng thẳng đang tăng cao giữa Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác như Đài Loan và Philippines, và giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Hãng tin Reuters trích dẫn Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tường trình rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng hệ thống khoan “Sea Bull II” sản xuất ở nội địa, để rút lên một lõi trầm tích dài 231 mét ở độ sâu 2.060 mét.
Tân Hoa Xã cho biết hệ thống này có thể giúp khám phá các nguồn khí tự nhiên dưới đáy biển, được coi là một nguồn năng lượng có nhiều hứa hẹn.
Hiện không rõ địa điểm chính xác nào được khoan trong Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết – tới 90% diện tích Biển Đông.
Các nước tranh chấp khác gồm: Malaysia, Philippines, Đài Loan, Brunei, và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, nơi được cho là có tiềm năng dầu khí rộng lớn.
Căng thẳng trong khu vực càng leo thang từ hôm Chủ nhật, khi một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ được triển khai tới Biển Đông.
Nhóm tàu tác chiến này tiến vào Biển Đông sau khi tổng thống Philippines, một đồng minh của Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về việc nhiều tàu Trung Quốc đã tràn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (320 km) của Manila.
Đài Loan, đảo quốc tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đe dọa sẽ bắn hạ máy bay không người lái Trung Quốc bay quanh quần đảo Đông Sa (Pratas), hiện do Đài Bắc kiểm soát trên Biển Đông.
Trong quá khứ, các hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực, nhất là vào năm 2014, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) điều một giàn khoan nước sâu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.