Trung Quốc khuyến khích cho con bú mẹ sau tai tiếng sữa giả năm 2008

Vấn đề cho con bú vẫn vấp phải rào cản về mặt văn hóa khi tại châu Á, còn nhiều người có quan niệm chỉ những đứa trẻ béo mới là khỏe mạnh.

Dave DeForest, Frances Alonzo

Vào tháng Bảy năm 2008, Trung Quốc bị rúng động với vụ tai tiếng thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Một số công ty sản xuất sữa bột cho trẻ em đã trộn thêm melamine vào sữa, một loại hóa chất làm cho sữa có vẻ như giàu protein hơn. Giờ đây, một phong trào dường như đang được lặng lẽ thực hiện nhằm khuyến khích các bà mẹ Trung Quốc cho con bú sữa mẹ trong khi tổ chức UNICEF đã phát triển một ứng dụng di động định vị những khu vực như trung tâm mua sắm hay chợ, những nơi các bà mẹ có thể cho con bú.

Your browser doesn’t support HTML5

Trung Quốc khuyến khích cho con bú mẹ sau tai tiếng sữa giả năm 2008

Vụ tai tiếng sữa bột có nhiễm melamine năm 2008 đã khiến cho hàng trăm ngàn trẻ em bị ốm và có sáu bé đã tử vong. Nói chuyện với phóng viên VOA Dave DeForest, Giáo sư của đại học Seton Hall, ông Hoàng Diên Trung, nhà nghiên cứu cấp cao về Y tế Toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết:

“Một điều thú vị khi quan sát phương pháp melamine đã bị pha trộn như thế nào. Ban đầu, đã có một vụ tai tiếng về việc làm loãng sữa thô, nhưng việc đó đã bị lật tẩy rất dễ dàng. Nhưng bây giờ, khi pha trộn thêm chất melamine giàu nitrogen vào sữa thô, dựa vào phương pháp truyền thống thì không thể phát hiện được quá trình chế biến sữa giả này đang xảy ra. Bởi vì phương pháp truyền thống không thể phân biệt được đâu là melamine nitrogen và hiện tượng tự nhiên của amino acid.”

Kể từ khi sự việc bị bại lộ năm 2008, rất nhiều người dân ở Trung Quốc luôn lo ngại về chất lượng sữa bột cho trẻ em, theo lời ông Dale Rutstein, trưởng phòng Truyền thông của Văn phòng nghiên cứu UNICEF:

“Khi melamine, hóa chất độc hại bị cho vào sữa bột để làm sữa có vẻ nhiều protein hơn, bị phát hiện, người dân ở Trung Quốc đã rất lo lắng về chất lượng sữa cho trẻ em. Có nhiều người thậm chí phải ra nước ngoài chỉ để mua sữa bột và đem về. Một trong những vấn đề chúng tôi đang cố gắng giải quyết là nói với người dân ‘mọi người không phải làm vậy, chỉ cần cho con bú sữa mẹ là được thôi.”

Và để khuyến khích nhiều bà mẹ tiến tới việc cho con bú bằng chính sữa của mình, tổ chức UNICEF đã phát triển một ứng dụng di động cho người dùng biết địa điểm, khu vực cụ thể ở trong các trung tâm mua sắm hay chợ, cho phép các bà mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào. Ông Rutstein nói:

“Ứng dụng đầu tiên mà chúng tôi phát triển hồi năm ngoái có tên gọi là ’10 square meters of love’ – tạm dịch: ‘10m vuông yêu thương.’ Ứng dụng này cung cấp rất nhiều lời khuyên, hướng dẫn, và sự ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ. Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất là chúng tôi đã đăng ký, tuyên dương, và chỉ ra trên bản đồ các địa điểm cho con bú chất lượng cao cho cả người dân lẫn nhân viên của chúng tôi. Tất cả những nơi đó hiện lên trên bản đồ hướng dẫn người dùng tìm tới được khu vực ở nơi công cộng, đặc biệt những nơi có hẳn phòng cho con bú. Ví dụ, nếu có ai đang đi mua sắm và tới giờ cho con bú thì họ có thể mở ứng dụng ra, tìm tới khu mua sắm có nhiều phòng cho con bú.

Ngoài ra, ứng dụng này cũng giúp bạn giữ liên lạc với các tư vấn viên, hàng xóm, những người đã được tập huấn qua và ủng hộ việc cho con bú sữa mẹ. Ngoài ra nó còn giúp việc cho con bú sữa mẹ và nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất này có thể được nhìn thấy nhiều hơn ở các nơi công cộng. Bên cạnh đó mọi người sẽ bắt đầu nói nhiều hơn về việc cho con bú. Chuyện cho con bú bằng sữa mẹ đang dần biến mất bởi lẽ ngày nay có nhiều phụ nữ đi làm trở lại sau khi sinh và các công ty sản xuất sữa thi nhau quảng cáo sản phẩm của họ.”

Và để cho phong trào này được thành công hơn, UNICEF đã nhờ tới một người nổi tiếng có thể giúp vận động cho phong trào của họ. Ông Rutstein cho biết:

“Chúng tôi đã tìm được một nữ diễn viên rất tuyệt vời, Mã Y Lợi, một người ủng hộ việc cho con bú. Cô đã cho đứa con đầu của cô bú sữa mẹ trong một năm. Cô ấy là một phụ nữ đẹp và được coi là một ngôi sao điện ảnh và truyền hình ở Trung Quốc. Cô ấy giống như một siêu mẫu vậy. Nhưng đồng thời cô ấy cũng là một bà mẹ dành toàn tâm toàn ý cho việc cho con bú. Cô ấy rất đam mê về vấn đề này, vì thế mà khi chúng tôi tìm tới gặp cô, cô đã rất vui vẻ nhận lời giúp đỡ. Vào thời điểm chúng tôi tung ra ứng dụng này, Mã Y Lợi có 26 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter, một con số lượt người theo dõi rất lớn. Cô ấy đăng tải lại tất cả những gì mà chúng tôi tải lên và bản thân cô còn viết blog về tầm quan trọng của việc cho con bú. Chúng tôi phối hợp rất nhịp nhàng và điều đó đã thu hút rất nhiều sự tham gia và thảo luận từ phía công chúng. Hiện giờ, Trung Quốc có rất nhiều bà mẹ vắt sữa của mình ở chỗ làm và đem sữa về nhà cho con mình. Điều này đang trở nên rất phổ biến.”

Tuy nhiên, vấn đề cho con bú vẫn vấp phải rào cản về mặt văn hóa khi tại châu Á, còn nhiều người có quan niệm chỉ những đứa trẻ béo mới là khỏe mạnh. Điều này đã dẫn tới một cuộc tranh luận xoay quanh trẻ béo-trẻ gầy hơn và việc cho con bú sữa mẹ. Trong khi đó, ông Rutstein của UNICEF nói:

“Cho trẻ bú sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa béo phì. Nếu chỉ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì có thể giảm khả năng bị béo phì tới 200 phần trăm trong suốt cuộc đời. Lượng đường trong sữa ngoài là rất cao. Ngoài ra sữa ngoài cũng được trộn từ rất nhiều thành phần để cố gắng bù đắp gấp đôi những gì mà sữa mẹ cung cấp. Tuy nhiên, những bé được bú sữa mẹ chỉ gầy hơn những bé bú sữa ngoài trong vài tháng đầu mà thôi, vì ngay sau đó chúng sẽ tăng cân bình thường. Những bé bú sữa mẹ không bao giờ bị tụt xuống dưới mức cân bình thường, nhưng luôn có xu hướng gầy hơn. Vì vậy mà có nhiều bà mẹ lo lắng nói rằng mẹ chồng, rồi hàng xóm của tôi nói tôi nên cho con bú bình để con được béo. Và đây chính là một trong những lời đồn đại mà chúng tôi đã xóa bỏ được một thời gian bằng cách cung cấp những thông tin có căn cứ.”

Tổ chức Y tế Thế giới khuyên các bà mẹ dùng sữa non màu vàng và đặc dính xuất hiện vào cuối thai kỳ cho trẻ mới sinh và việc cho trẻ bú nên được thực hiện trong vòng vài giờ đầu sau khi sinh. WHO cũng khuyên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu. Việc cho con bú bằng sữa mẹ nên được tiếp tục kèm theo thức ăn bổ sung khác cho tới năm hai tuổi hoặc hơn.

Nguồn: VOA, WHO

.