Trung Quốc ra lệnh tuân thủ chặt chẽ hơn các mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong giáo dục pháp luật, yêu cầu các trường học “phản đối và chống lại các quan điểm sai lầm của phương Tây” chẳng hạn như chính phủ hợp hiến, tam quyền phân lập và tư pháp độc lập.
Sắc lệnh đề ngày 26/2, một tuần trước khi quốc hội có tính cách nghi lễ của Trung Quốc bắt đầu phiên họp thường niên và củng cố vai trò lãnh đạo về ý thức hệ do ông Tập đảm nhận, người được nêu tên không dưới 25 lần trong tài liệu. Là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, ông Tập vào năm ngoái được trao nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng và đã loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước, cho phép ông cầm quyền trọn đời.
Các chỉ thị tương tự đã được ban hành trong quá khứ, trong đó sinh viên được khuyến khích phải báo cáo khi các giáo sư ca ngợi các khái niệm quản trị của phương Tây.
Bất chấp sự đan xen của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu, ông Tập Cận Bình đã tìm cách loại bỏ các khái niệm phương Tây tự do khỏi hệ thống giáo dục, ra lệnh rằng các tôn giáo nước ngoài phải được “Trung Hoa hóa” để hoạt động ở Trung Quốc. Ông cũng đã cố gắng, với thành công hạn chế, để tổ chức lại văn hóa đại chúng theo những đường lối bảo thủ hơn, đi xa hơn là cấm những người đàn ông “nữ tính” tham gia đài truyền hình nhà nước.
Nghề luật sư là một mục tiêu đặc biệt, và hôm 9/7/2015, ba năm sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập với tư cách là tổng bí thư đảng, một loạt cuộc truy quét trên toàn quốc đã diễn ra dẫn đến việc bắt giữ khoảng 300 luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động có liên quan. Dưới áp lực không ngừng như vậy, các luật sư hoạt động đã bị đe dọa phải im lặng, ngăn chặn hiệu quả sự xuất hiện của những tiếng nói bất đồng và trí thức công khai độc lập với đảng.
Những phương sách này phù hợp với chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn của ông Tập Cận Bình nhằm thách thức và có thể thay thế trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo vốn ủng hộ dân chủ đa đảng, xã hội dân sự và nhân quyền.
Chỉ thị từ Văn phòng Tổng hợp của đảng nói các giáo viên và sinh viên luật và những người làm công tác lý luận pháp luật phải được hướng dẫn để có “lập trường rõ ràng và có lập trường vững chắc khi đối mặt với các vấn đề về nguyên tắc và các vấn đề chính về đúng và sai.” Văn phòng Tổng hợp lưu hành thông tin trong đảng có 96 triệu đảng viên, bao gồm cả việc soạn thảo các chỉ thị và bản ghi nhớ.
Chỉ thị nói “Phải phản đối và chống lại các quan điểm sai lầm của phương Tây như ‘chính phủ hợp hiến’, ‘tam quyền phân lập’ và ‘sự độc lập của ngành tư pháp’.”
Trong khi hiến pháp của Trung Quốc nói suông về những ý tưởng như tự do ngôn luận và tôn trọng tôn giáo, hiến pháp đặt lợi ích của đảng lên trên tất cả. Những nỗ lực trước đây nhằm thúc đẩy dân chủ cơ sở thậm chí ở cấp thôn làng đã thất bại trước quyền lực áp đảo của đảng và việc chính quyền sẵn sàng sử dụng vũ lực và cưỡng chế để đạt được kết quả mong muốn.
Ngoài một cộng đồng bất đồng chính kiến nhỏ bé và đang bị bao vây, công chúng Trung Quốc phần lớn sẵn sàng chấp nhận sự kiểm soát hoàn toàn của đảng để đổi lấy những cải thiện nhất quán về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sự sắp xếp đó đôi khi bị thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại nghiêm trọng, khủng hoảng tài chính của chính quyền địa phương và việc thực thi nặng tay các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đã gây ra các cuộc biểu tình hiếm hoi của công chúng.
Sự chỉ trích các chính sách của đảng và chính phủ trên mạng trực tuyến sôi nổi hơn nhiều, bất chấp sự kiểm duyệt và đe dọa trừng phạt những người tạo ra và phổ biến chúng.
Phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, bao gồm 2.977 thành viên được lựa chọn cẩn thận, sẽ khai mạc vào ngày 5/3 với báo cáo thường niên về công việc của chính phủ do Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường trình bày.
Chủ tịch của cơ quan này cũng sẽ đưa ra một báo cáo. Trong những năm qua, báo cáo đó cũng cam kết tránh xa chính phủ chính trị phương Tây như phân chia quyền lực và tư pháp độc lập.