Your browser doesn’t support HTML5
Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030, theo kết quả cuộc nghiên cứu vừa công bố của một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay.
PriceWaterhouse Coopers dự báo trước năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên chiếm vị trí của Mỹ dẫn đầu kinh tế thế giới, theo sau là Ấn Độ. Mỹ tuột xuống hạng ba, và Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu.
Dự báo được đưa ra giữa thời điểm tăng trưởng kinh tế Mỹ yếu và sức ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới có thể đang giảm bớt.
Phúc trình đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn tới năm 2050 đối với 32 nền kinh tế trên thế giới chiếm 85% GDP toàn cầu.
Theo đó, kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi về kích cỡ vào năm 2050 nhờ vào cải thiện năng suất thúc đẩy bởi công nghệ. Bảy nền kinh tế đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với bảy nền kinh tế tiên tiến hiện nay.
Một bài phân tích trên tờ Fortune ngày 9/2 cho rằng với dân số lớn hàng thứ ba, Mỹ lâu nay là nền kinh tế số một trên thế giới vì năng suất vốn và lao động của Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần so với năng suất của Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay các nước đang đuổi theo Mỹ về năng suất.
Vẫn theo tác giả bài viết, chính sách Mỹ dưới các chính quyền của cả hai bên Dân chủ hay Cộng hòa đều đã liên tục khuyến khích Trung Quốc ‘giải phóng’ nền kinh tế vì điều đó có lợi cho tất cả các bên, kể cả Mỹ và người dân Trung Quốc.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 800 triệu dân Trung Quốc đã được thoát nghèo nhờ cải cách dựa trên cơ chế thị trường ở Trung Quốc.
Kinh tế Ấn Độ bị kèm hãm bởi chủ nghĩa xã hội cho tới khi bùng nổ cuộc khủng hoảng buộc Ấn mở cửa vào năm 1991, cũng với sự khuyến khích của Mỹ, và hàng trăm triệu dân nghèo nhất ở Ấn đã được hưởng lợi.
Một khi các nền kinh tế như Trung Quốc hay Ấn Độ ‘thay da đổi thịt’ thì cách biệt về năng suất quốc gia cũng thu hẹp, và thế giới bớt nghèo hơn.
Xu hướng này sẽ không ngừng, theo tác giả bài phân tích trên Fortune, và điều đó cũng có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ phải nhường chỗ cho Trung Quốc, dù sớm hay muộn. Đó là một phần không thể tránh khỏi của một thế giới thịnh vượng hơn mà mọi người đã nỗ lực hàng chục năm nay để hướng tới.
Tuy khả năng đó có thể xảy ra nhưng ‘khó nói trước’, theo nhận xét của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc.
Ông Việt nói: “Nếu cứ tính theo diễn tiến bình thường những gì đang diễn ra bây giờ trên kinh tế thế giới, hoặc giảm chút xíu, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, nhưng không phải trong thời gian ngắn hạn được đâu. ‘Vượt’ nếu như mọi chuyện như bây giờ, không có khủng hoảng gì cả, kinh tế cứ tự tiến như hiện tại.”
Chuyên gia đang cố vấn cho một số định chế quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Phi này cho rằng mốc thời gian cuộc nghiên cứu dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ vào năm 2030 là ‘lạc quan’ vì theo ông, nếu kinh tế thế giới tốt đẹp như dự báo thì cũng phải đến 2040 hoặc 2050 Trung Quốc mới có thể soán được vị trí của Mỹ làm đầu tàu kinh tế thế giới.
Một số người tỏ ra quan ngại rằng mọi chuyện có ‘đảo chiều’ một khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới với ảnh hưởng bành trướng hơn. Tiến sĩ Vũ Quang Việt hoài nghi về khả năng ‘thay thế’ Mỹ của Trung Quốc, vì, theo ông, Trung Quốc còn rất nhiều hạn chế.
“Phát triển kinh tế phải dựa vào khoa học kỹ thuật, phải nghiên cứu tạo cái mới. Tới giờ, cả châu Âu cộng lại cũng chưa phát triển khoa học hơn Mỹ được. Vả lại, một xã hội [Trung Quốc] không có tự do, không có sự suy nghĩ tự do thì cũng khó. Để bắt kịp tổng thể lớn hơn nhưng từng người một thì yếu kém hơn và khả năng phát triển khoa học kỹ thuật cũng yếu kém hơn thì liệu Trung Quốc có thể làm được gì?” kinh tế gia từng làm việc cho Liên hiệp quốc nêu vấn đề.
Hơn nữa, vẫn theo Tiến sĩ Việt, sự ‘lên ngôi’ của Trung Quốc cũng đề ra nhiều khó khăn, rủi ro, thay vì là lợi ích, cho các nước. “Trung Quốc đang bành trướng. Tôi đi nhiều nước Phi Châu thấy Trung Quốc đang đổ tiền tại đây rất nhiều để kiểm soát các hầm mỏ, nguyên khoáng sản của Phi Châu. Tại vài nước, Trung Quốc còn đưa hẳn nhân công sang làm việc bên đó. Sau đó, xuất hàng trở về Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ họ bung tiền ra khắp nơi để tìm cách kiểm soát. Tại Việt Nam cũng vậy, Trung Quốc cũng muốn sử dụng nguyên khoáng sản rồi đưa về nước phục vụ phát triển công nghệ của họ.”
Theo chuyên gia này, để cản chân sự trỗi dậy đầy nguy hiểm của một đất nước bất chấp luật lệ, coi thường nhân quyền như Trung Quốc, đã đến lúc Mỹ phải có những ‘trả đũa’, bắt buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ và hành xử công bằng, sòng phẳng; và người dân các nước phải lên tiếng trước những bước tiến kiểu ‘thực dân mới’ của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng phản đối xuất hiện tại nhiều nước từ Châu Phi tới Châu Á, với các cuộc biểu tình bài Trung và tẩy chay hàng Trung Quốc.
Cuộc nghiên cứu của PriceWaterhouse Coopers cũng dự báo tới năm 2050, kinh tế Anh bị rớt xuống hạng 10, Pháp ra khỏi ‘top ten’, Italy bị loại khỏi top 20 và, đáng chú ý, là các nước này bị các nền kinh tế mới nổi lần lượt là Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, và Việt Nam soán chỗ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc hay Việt Nam, muốn hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn như dự báo cần phải cải cách và tăng cường các định chế lẫn cơ sở hạ tầng.