Trung Quốc dự kiến xây dựng một căn cứ dưới đáy biển được điều hành bằng trí thông minh nhân tạo để giúp tăng cường hoạt động quốc phòng của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong với tên tiếng Anh là South China Morning Post (SCMP) cho biết hôm 26/11 rằng Trung Quốc đang xây dựng cơ sở sau này có thể trở thành “trung tâm trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên trái đất.”
Dự án mang tên Hades, vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp, được Học viện Khoa học Trung Quốc khởi động ở Bắc Kinh trong tháng này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là người đứng đằng sau dự án này, theo SCMP. Vào tháng 4, trong một chuyến thăm tới viện nghiên cứu nước sâu ở Tam Á của tỉnh Hải Ham, ông Tập kêu gọi các nhà khoa học làm một cái gì trước đây chưa từng có.
“Không có con đường nào dưới đáy biển, chúng ta không cần phải theo đuổi các nước khác vì chúng ta là con đường đó,” SCMP trích lời ông Tập nói.
Dự án này gồm có các bến neo đậu dưới nước và các tàu ngầm không người lái để tiến hành khảo sát đáy biển. Các cáp điện và đường dây liên lạc sẽ kết nối căn cứ với tàu hoặc trạm năng lượng.
Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000m tới 11.000m. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 160 triệu USD), bằng một nửa chi phí cho việc xây dựng kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu, theo các nhà khoa học.
Trung Quốc có thể vận hành căn cứ này từ Rãnh Manila (Manila Trench) ở Biển Đông, là khu lãnh hải có nhiều tranh chấp mà Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong đó, theo SCMP.
Trung Quốc cũng muốn xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông vào năm 2020 – một việc làm được cho là sẽ vi phạm luật quốc tế.
Một tòa án của Liên hợp quốc vào năm 2016 đã ra phán quyết rằng Trung quốc không có quyền lịch sử nào đối với Biển Đông, một hải phận quốc tế mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền một phần trong đó.
Philippines đưa vụ kiện này ta tòa trọng tài quốc tế vào năm 2013 dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III.
Chính sách của Manila trên Biển Đông đã thay đổi lớn kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte gặp ông Tập.
Vào tuần trước, hai bên đã đồng ý hợp tác về mặt kinh tế và ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí, theo đài ABS-CBN của Philippines đưa tin hôm 26/11.
Biển Đông là một trong những khu vực xung đột nhiều nhất thế giới, nơi Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn" để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tuy nhiên theo SCM, có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể chia sẻ dữ liệu và công nghệ với các nước láng giềng để giành được sự ủng hộ.
Khu vực sâu dưới đáy biển có môi trường khắc nghiệt. Áp lực lớn, sự xói mòn, địa chất yếu và động đất có khả năng đe dọa bất cứ cấu trúc nào. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí có thể vượt xa bất cứ ước tính nào. Tiến sỹ Du Qinghai, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải dương Thượng Hải, cho rằng khoản ngân sách 1,1 tỷ nhân dân tệ khá eo hẹp để thực hiện dự án này.