Kết quả của cuộc nghiên cứu toàn diện đầu tiên về chương trình viện trợ của Trung Quốc dành cho các nước vùng Nam Thái Bình Dương cho thấy trong thập niên qua Bắc Kinh đã cung cấp những khoản trợ giúp tài chánh trị giá hơn 1 tỉ đô la. Theo các chuyên gia của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Trung Quốc sắp sửa qua mặt Nhật Bản để trở thành nước viện trợ nhiều hàng thứ ba của khu vực này, sau Australia và Hoa Kỳ. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney.
Viện Lowy xem viện trợ của Trung Quốc cho vùng Nam Thái Bình Dương phần lớn là một nghĩa cử của một công dân toàn cầu có trách nhiệm. Sự trợ giúp tài chánh này cũng được xem là một cách để giảm bớt xích mích.
Các nhà nghiên cứu cho biết làn sóng di dân và doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào những đảo quốc trong khu vực đã tạo ra những mối căng thẳng với các cộng đồng dân cư địa phương. Những hoạt động ngư nghiệp của Trung Quốc, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, là vấn đề đặc biệt gây ra nhiều mối lo ngại, cộng với những hoạt động khai thác khoáng sản.
Dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc trong vùng này là mỏ ni-ken Ramu với kinh phí 1,6 tỉ đô la ở Papua New Guniea. Dự án này gây nhiều tranh cãi vì tác động đối với môi trường. Nhưng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn hàng thứ nhì của đảo quốc này, hy vọng rằng hình ảnh của nước họ trong mắt dân chúng địa phương sẽ được cải thiện nhờ vào các chương trình viện trợ.
Bà Philippa Brant, một nhà nghiên cứu của Viện Lowi, nói rằng Bắc Kinh cần phải ra sức phục hồi uy tín của mình.
"Trung Quốc thực sự có một số thách thức trong khu vực này, vì đi kèm với chương trình viện trợ mỗi ngày một nhiều là sự gia tăng của con số các công ty Trung Quốc đến đây đầu tư, và con số những người Trung Quốc di dân tới đây. Điều này tạo ra một số những sự bất bình và những sự lo ngại bên trong các cộng đồng đảo quốc Thái Bình Dương và điều đó đang thật sự trở thành một thách thức đáng kể mà chính phủ Trung Quốc phải tìm cách đối phó."
Cuộc thẩm định của Viện Lowy về viện trợ của Trung Quốc căn cứ trên 500 nguồn khác nhau, trong đó có các ngân sách, hồ sơ dự thầu và những thông cáo của chính phủ, và là cuộc nghiên cứu toàn diện đầu tiên về vấn đề này.
Từ năm 2006 tới nay, Trung Quốc đã cung cấp 1,4 tỉ đô la viện trợ song phương cho vùng Nam Thái Bình Dương. Australia tiếp tục là nước tài trợ lớn nhất, với gần 7 tỉ đô la trong thập niên qua.
Trung Quốc có quan hệ ngoại giao với 8 đảo quốc Nam Thái Bình Dương: quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Fiji, Niue, Papua New Guniea, Samoa, Tonga và Vanuatu.
Khu vực này đã là tâm điểm của những hoạt động ngoại giao được gọi là “ngoại giao chi phiếu” với Đài Loan, trong lúc Bắc Kinh và Đài Bắc đua nhau cung cấp viện trợ để đổi lấy sự thừa nhận chính trị. Sự tranh đua đó phần lớn đã chấm dứt vào năm 2008, khi giới hữu trách Đài Loan đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh.