Trung Quốc thiếu kế hoạch thoát ‘Zero- COVID’; người dân đang phải trả giá

Bệnh nhận tại một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, ngày 21/12/2022.

Tại bệnh viện công ở Thượng Hải, căng thẳng gia tăng kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách nghiêm ngặt Không COVID (Zero-COVID) từ ngày 7/12. Nữ bác sĩ 30 tuổi có tên là Nora chia sẻ với Reuters về tình hình đang diễn ra tại đây.

Bệnh nhân tranh cãi với bác sĩ để tiếp cận các loại thuốc đang khan hiếm, như thuốc ho và thuốc giảm đau. Y tế quá tải; nhân viên bị nhiễm bệnh vẫn tiếp tục làm việc vì thiếu nhân sự.

Bác sĩ Nora, người không cho biết tên đầy đủ vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho Reuters biết: “Chính sách kiểm soát Covid được nới lỏng rất đột ngột”. Cô nói thêm: “Các bệnh viện lẽ ra phải được thông báo trước để chuẩn bị đầy đủ”.

Sau nhiều năm thực thi các biện pháp khắc nghiệt để dập dịch, việc Chủ tịch Tập Cận Bình đột ngột từ bỏ chính sách Zero-COVID trước các cuộc biểu tình và dịch bệnh bùng phát ngày càng lan rộng đã khiến Trung Quốc phải chật vật để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế công.

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và gián đoạn hậu cần đang làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày. Bốn nhân viên bệnh viện nói với Reuters rằng việc lập kế hoạch không đầy đủ cho việc kết thúc Zero-COVID-19 đã khiến họ phải xoay sở để mở cửa trở lại trong hỗn loạn.

Ông Kenji Shibuya, cựu cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc cho rằng chính sách của họ đã thành công và việc chuyển dần sang giai đoạn bệnh đặc hữu là khả thi, nhưng rõ ràng là không phải vậy”.

Hơn một chục chuyên gia y tế toàn cầu, nhà dịch tễ học, cư dân và nhà phân tích chính trị được Reuters phỏng vấn xác định việc không tiêm phòng cho người già và không truyền đạt chiến lược thoát Zero-Covid cho công chúng, cũng như tập trung quá mức vào việc loại bỏ virus, là nguyên nhân gây ra căng thẳng cho hạ tầng y tế Trung Quốc.

Những người này cho biết Trung Quốc đã chi nhiều tiền cho các cơ sở kiểm dịch và xét nghiệm trong ba năm qua thay vì nên củng cố các bệnh viện, phòng khám và đào tạo nhân viên y tế.

“Không có thời gian chuyển tiếp để hệ thống y tế chuẩn bị cho điều này”, ông Zuofeng Zhang, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết. “Nếu họ có thể dành ra một phần nhỏ nguồn lực (được sử dụng) từ việc xét nghiệm và phong tỏa COVID-19, thì Trung Quốc sẽ có lợi hơn trong sự thay đổi chính sách này”.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters về khả năng phục hồi của hệ thống y tế và việc cung cấp nhân viên y tế; liệu có kế hoạch dự phòng nào để đối phó với số ca nhập viện tăng vọt hay không; và liệu các biện pháp nghiêm ngặt về dịch bệnh có cản trở việc cải thiện năng lực y tế hay không.

Truyền thông nhà nước bênh vực cách tiếp cận của Bắc Kinh trong khi lặp đi lặp lại thông điệp theo đó xem nhẹ biến thể Omicron. Khi xem xét các phản ứng với COVID-19 của Trung Quốc, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã cho biết vào ngày 9/12 rằng ông Tập đã “làm đúng” khi thực hiện “các hành động kiên quyết để ngăn chặn sự lây lan của virus”.

Một quầy xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải

DỮ LIỆU CHÍNH THỨC

Khi dịch bệnh bùng phát, dữ liệu chính thức về các ca nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong hầu như không phản ánh đúng tình hình, các chuyên gia, bao gồm ông Mike Ryan, giám đốc khẩn cấp của WHO, phân tích. Tại Bắc Kinh, các nhà tang lễ và lò hỏa táng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Ủy ban Y tế Quốc gia chỉ báo cáo một số ít trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 kể từ khi mở cửa trở lại, đưa tổng số ca tử vong do đại dịch chính thức của Trung Quốc lên tới 5.241, rất thấp so với mức tử vong toàn cầu.

Trong khi đó, nỗ lực tiêm chủng cho người già bắt đầu từ ba tuần trước vẫn chưa có kết quả. Theo dữ liệu của chính phủ, tỷ lệ tiêm chủng chung của Trung Quốc là trên 90% nhưng tỷ lệ người lớn đã tiêm nhắc chỉ có 57,9% và 42,3% đối với người từ 80 tuổi trở lên.

Trung Quốc từ chối phân phối các loại vaccine mRNA do phương Tây sản xuất - loại vaccine mà các nghiên cứu cho thấy hiệu quả cao hơn so với vaccine do Trung Quốc sản xuất trong nước. Hơn chục chuyên gia cho biết việc không tăng tỷ lệ tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương có thể gây nguy hiểm cho hệ thống y tế của Trung Quốc.

Ông Hiroshi Nishiura, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm COVID của Nhật Bản, cho biết: “Như chúng ta thấy ở Hong Kong, những người lớn tuổi chưa được tiêm chủng có nguy cơ tử vong đặc biệt cao và có lẽ khả năng chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc sẽ sớm bị quá tải”.

Sự bất mãn đối với việc Trung Quốc thường xuyên đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 11 khi các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc. Trong vài ngày sau đó, Bắc Kinh đột ngột tuyên bố nới lỏng các quy tắc Zero-COVID.

Kể từ đó, các cuộc biểu tình nhỏ hơn đã xảy ra tại các trường y, với một số sinh viên làm việc ở tuyến đầu yêu cầu được bảo vệ tốt hơn và được cung cấp y tế. Cái chết của một sinh viên y khoa 23 tuổi ở Thành Đô vào ngày 14/12 đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng trước sự căng thẳng của hệ thống y tế Trung Quốc.

Một sinh viên y khoa 26 tuổi ở miền bắc Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi là những người cuối cùng trong chuỗi thức ăn tại bệnh viện”. Sinh viên này không dám nêu tên và cũng không cho biết tên trường đại học của cô vì sợ bị chính quyền trừng phạt. Cô nói: “Nếu chúng tôi ở tuyến đầu, chúng tôi không có đủ sự bảo vệ cho chính mình: chúng tôi thậm chí còn được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang”.

CHẬM ĐẦU TƯ

Sứ mệnh Zero-COVID của Trung Quốc đã làm gia tăng áp lực đối với các bệnh viện và nhân viên y tế do hệ thống y tế tập trung; thậm chí người có triệu chứng nhẹ cũng phải nhập viện. Chính phủ chỉ bắt đầu cho phép cách ly tại nhà từ ngày 7/12.

Trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc liên tục cảnh báo rằng một đợt bùng phát quy mô lớn sẽ có tác động tàn phá đối với hệ thống y tế, thì việc cố gắng dập dịch đã làm căng thẳng các nguồn lực y tế.

Một số chuyên gia như Hong Xiao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết Zero-COVID đã tỏ ra tốn kém và nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, phân bổ ngân sách và nhân viên y tế đến tuyến đầu chống đại dịch và ngăn cản bệnh nhân mắc các bệnh khác được tiếp cận điều trị.

Các nhà nghiên cứu khác nói rằng mối đe dọa hiện tại đối với hệ thống y tế của Trung Quốc đã bị phóng đại.

Ông Chen Jiming, một nhà nghiên cứu tại Đại học Phật Sơn của Trung Quốc, cho biết hệ thống y tế của Trung Quốc có thể đối phó được khi nước này đã kết thúc kiểm dịch đối với các trường hợp nhẹ và không có triệu chứng.

“Bây giờ, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể giảm nhẹ cơn sóng thần sắp xảy ra của COVID-19,” ông nói. “Chắc chắn, hệ thống y tế đang chịu áp lực rất lớn trong những ngày này, nhưng tôi nghĩ chính phủ có thể quản lý được”.

Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào các nguồn lực y tế như giường bệnh và tốc độ tăng trưởng của nhân viên y tế đã chậm lại trong đại dịch.

Tại Thiên Môn, một thành phố nhỏ gần Vũ Hán, các bệnh nhân bị nhiễm bệnh được cho nằm trong các lán trại bên ngoài các phòng khám khi họ được truyền tĩnh mạch, theo một cư dân chia sẻ hình ảnh với Reuters.

Tại Hanchuan, tỉnh Hồ Bắc, các bệnh nhân ngồi trong ôtô của họ để truyền dịch IV qua cửa sổ xe, theo video ngày 14/12 mà Reuters có được.

Ở một số thành phố, việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về điều gì sẽ xảy ra khi ai đó bị nhiễm bệnh càng làm tình hình trở nên hỗn loạn.

Tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh, một bác sĩ cấp cao cho biết tất cả các ca phẫu thuật đã bị hủy bỏ trừ trường hợp bệnh nhân có khả năng sẽ chết vào ngày hôm sau.

“Có tới 80% bác sĩ tại các bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh bị nhiễm COVID nhưng buộc phải tiếp tục làm việc”, vị bác sĩ này nói với Reuters với điều kiện không tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Xe cứu thương ở Bắc Kinh ngày 19/12/2022.

KHÔNG CÓ LỘ TRÌNH

Trung Quốc có các mệnh lệnh khác để theo đuổi cách tiếp cận nghiêm ngặt Zero-COVID trong năm nay. Trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2, chính phủ đã thắt chặt kiểm soát đại dịch và truyền thông nhà nước cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Trước thềm đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10, nơi ông Tập đang tìm cách củng cố quyền cai trị của mình với nhiệm kỳ thứ ba, nhà chức trách nhấn mạnh rằng không thể đi chệch hướng khỏi Zero-COVID bất chấp những thiệt hại kinh tế và cảnh báo về rủi ro của bất kỳ hoạt động mở cửa trở lại nào.

“Một khi việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng, một số lượng lớn người sẽ bị nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn, một số lượng lớn các trường hợp nghiêm trọng và tử vong sẽ xảy ra, dẫn đến cạn kiệt các nguồn lực y tế”, Nhân dân Nhật báo – Cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết trong một bài bình luận hôm 12/10, kêu gọi bám chặt với chính sách Zero-COVID.

Khi ông Tập siết chặt quyền lực và tập trung vào việc dập tắt dịch bệnh bằng bất cứ giá nào, giới lãnh đạo không đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào về cách Trung Quốc sẽ vượt qua các hạn chế nghiêm trọng.

Khi các ca nhiễm bắt đầu tăng vọt trong những tuần gần đây, rõ ràng là dịch bệnh đã vượt qua hàng rào phòng thủ Zero-COVID.

Một số thành phố cho biết người lao động có triệu chứng nhẹ có thể tiếp tục đi làm, truyền thông địa phương đưa tin. Một bệnh viện ở Thượng Hải nói với nhân viên trong tuần này hãy chuẩn bị cho một “trận chiến bi thảm”.

Ít nhất 10 chuyên gia y tế trao đổi với Reuters cho biết họ dự đoán số ca nhiễm sẽ lên đến đỉnh điểm trong một đến hai tháng tới, vào khoảng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ông Keith Neal, giáo sư danh dự về dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết làn sóng tử vong giống như những gì Hong Kong đã trải qua hồi đầu năm nay là “dấu hiệu rõ ràng cho những gì có thể xảy ra” ở Trung Quốc đại lục.

Ông nói: “Thách thức chính sẽ là một số lượng lớn các ca nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong ở một nhóm dân số dễ bị nhiễm bệnh do họ chưa bị nhiễm bệnh hoặc không được tiêm phòng”.

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe có trụ sở tại Hoa Kỳ, một phần của Đại học Washington, tuần trước cho biết họ dự kiến sẽ có hơn 1 triệu ca tử vong cho đến năm 2023 do việc dỡ bỏ đột ngột các hạn chế COVID của Trung Quốc.

Tại bệnh viện ở Thượng Hải, Bác sĩ Nora cho biết các ca nhiễm mới đang gia tăng, mặc dù bệnh viện không công khai dữ liệu. Các bác sĩ lo lắng về việc lây nhiễm cho bệnh nhân và người thân.

“Bệnh viện không có một kế hoạch hoàn hảo để giải quyết tất cả các vấn đề và chính sách đang thay đổi hàng ngày”, nữ bác sĩ này nói.