Trung Quốc tìm cách cải thiện hình ảnh tại châu Phi

Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete (trái) bắt tay tạm biệt Chủ tịch Tập Cận Bình (phải).

Đã từ lâu, những hoạt động của Trung Quốc tại Châu Phi là một mục tiêu để chỉ trích. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi tại châu lục này và sự thèm khát tài nguyên khổng lồ đã khiến một số người thắc mắc về ý định của Trung Quốc. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Bill Idle gởi về từ Bắc Kinh thì việc thay đổi quan niệm đó là một điểm quan trọng trong chuyến thăm Châu Phi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần qua.

Một thông điệp quan trọng mà chủ tịch Tập Cận Bình mang theo trong chuyến thăm Châu Phi của ông là Trung Quốc và Châu Phi đều bình đẳng. Ông cũng nói rằng thiện chí trợ giúp mà không kèm theo mục đích chính trị của Bắc Kinh sẽ tiếp tục.
Giáo sư Trường Đại Học Hong Kong, ông Adams Bodomo, nói rằng cho tới nay ông Tập đã sử dụng những ngôn từ thích hợp.

“Những ngôn từ như tình hữu nghị, độc lập, chúng tôi sẽ tôn trọng sự toàn vẹn và chủ quyền của các bạn, những thứ này là rất quan trọng cho Châu Phi. Ngược với một số nhà lãnh đạo nơi khác trên thế giới tới thăm thường nói rằng, Châu Phi phải làm điều này, sử dụng từ “phải làm điều này” có tính cách áp đặt. Ông Tập Cận Bình nói loại ngôn từ mà Châu Phi thích, bởi vì họ cảm thấy người ta tôn trọng họ, người ta coi họ là đối tác bình đẳng, đó là thứ mà người Châu Phi chúng tôi sẽ trông đợi."

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Châu Phi rất to lớn và chỉ riêng năm ngoái tổng số đã lên tới khoảng 200 tỉ đô la. Nhưng cách làm thương mại cũng có xu hướng có lợi cho Trung Quốc.

Hồi đầu tháng này Thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria cảnh báo các nước Châu Phi là hãy rũ bỏ quan niệm lãng mạn của họ về Trung Quốc, và nói rằng Trung Quốc vừa là một người cạnh tranh vừa là một đối tác.

Ông Tập Cận Bình ý thức rõ về nhận thức đó và đề cập vấn đề này trong một bài diễn văn quan trọng về chính sách Châu Phi tại Tanzania.

“Khi tìm cách phát triển cho nước mình, Trung Quốc cũng luôn luôn tìm cách trợ giúp và ủng hộ cho nhân dân Châu Phi càng nhiều càng hay. Đặc biệt là những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực để trợ giúp và hợp tác với Châu Phi. Trung Quốc sẽ hết sức tôn trông cam kết của mình với Châu Phi.”

Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã hứa huấn nghệ cho hằng vạn người, xây dựng năng lực sản xuất của các quốc gia Châu Phi và tăng thêm số học bổng cho người Châu Phi tới Trung Quốc.

Nhà kinh tế Aly Khan Satchu cũng nói rằng các quốc gia Châu Phi cần sáng suốt hơn về những gì họ muốn nơi Trung Quốc.

“Vấn đề với Châu Phi là không phải chỉ có một số điện thoại duy nhất mà nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể gọi để nói với Châu Phi. Có rất nhiều quốc gia, không phải chỉ có một hộp thư để tới, vì thế trên nhiều phương diện các quốc gia châu Phi quá khác biệt. Người châu Phi cần củng cố đoàn kết, hiểu chúng ta muốn gì ở người Trung Quốc và rồi đi thương thảo với họ bằng một lập trường chung. Tôi nghĩ rằng điều dó sẽ có ích và là thứ cần làm.”

Các nhà phân tích nói rằng, mặc dầu vẫn còn những rủi ro, có một cách Trung Quốc đã khác với những thế lực thuộc địa trong quá khứ - đó là nỗ lực của họ để xây dựng cơ sở hạ tầng của đại lục này. Và còn nhiều thứ sẽ tới. Trung Quốc nói rằng họ sẽ gia tăng 20 tỉ đô la tín dụng cho Châu Phi trong ba năm sắp tới.

http://www.youtube.com/embed/XPWVt-e5FKY