Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/8 đề nghị dành ngân sách kỷ lục 8,5 nghìn tỷ yên (59 tỷ đô la) cho năm tới để củng cố khả năng răn đe của mình trên các đảo phía tây nam trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng cũng tập trung vào vũ khí không người lái và trí tuệ nhân tạo để bù đắp cho số lượng quân nhân đang giảm do dân số của đất nước đang giảm.
Yêu cầu của Bộ cho năm 2025 đánh dấu năm thứ ba trong kế hoạch khẩn trương tăng cường quân sự kéo dài 5 năm của Nhật Bản theo chiến lược an ninh đang diễn ra của chính phủ. Nhật Bản đặt mục tiêu chi 43 nghìn tỷ yên (297 tỷ đô la) cho đến năm 2027 để tăng gấp đôi chi tiêu quân sự hàng năm lên khoảng 10 nghìn tỷ yên, trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Yêu cầu ngân sách đã được chấp thuận tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào ngày 30/8 trước khi đệ trình lên Bộ Tài chính để đàm phán đến hết tháng 12.
Nhật Bản đã nhanh chóng xây dựng khả năng phòng thủ cho khu vực Tây Nam trong những năm gần đây trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các mối đe dọa quân sự và căng thẳng ở các vùng biển trong khu vực.
Trung Quốc đã leo thang các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát biển Philippines tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và cử một đội tàu cảnh sát biển thường xuyên xâm phạm vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Khoản tiền khổng lồ 970 tỷ yên (6,7 tỷ đô la) trong yêu cầu ngân sách cho năm 2025 bao gồm chi phí tăng cường khả năng phản công bằng cách phát triển và mua phi đạn tầm xa cùng thiết bị để phóng phi đạn, bao gồm cả phi đạn được phóng từ tàu khu trục lớp Aegis. Khoảng một phần ba trong số đó dành cho một hệ thống vệ tinh nhằm tăng cường khả năng phát hiện hoạt động liên quan đến phi đạn, vì Triều Tiên, Trung Quốc và Nga phát triển phi đạn siêu thanh khó phát hiện và theo dõi hơn.
Trong khi thúc đẩy tăng cường quân sự, Nhật Bản phải đối phó với tình trạng quân số giảm sút và đang tập trung vào việc phát triển và mua thêm máy bay không người lái để giám sát và chiến đấu, đòi hỏi 103 tỷ yên (710 triệu đô la). Họ cũng tìm kiếm 314 tỷ yên (2,17 tỷ đô la) để chế tạo ba tàu khu trục nhỏ gọn đa năng mới cần 90 thành viên thuỷ thủ đoàn, ít hơn một nửa số lượng thuỷ thủ đoàn hiện tại.
Các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết máy bay không người lái chiến đấu là “những công cụ thay đổi cục diện” có thể thực hiện các nhiệm vụ kéo dài hàng giờ và giảm thiểu thương vong về người trong chiến đấu, và họ coi đó là trụ cột chính trong quá trình tăng cường quân sự đang diễn ra của Nhật Bản. Vũ khí không người lái cũng có thể giúp một quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng dân số lão hóa và suy giảm.
Nhật Bản đang phải vật lộn để đáp ứng số lượng quân cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) là 247.000 người.
SDF đã gặp khó khăn trong việc thu hút những người nộp đơn trẻ tuổi trong những năm gần đây và chỉ hoàn thành một nửa mục tiêu tuyển dụng là 19.598 người vào năm ngoái, khiến đây trở thành con số thấp nhất trong 70 năm lịch sử của mình. Năm ngoái, 6.258 nhân sự trung niên đã nghỉ việc, con số cao nhất trong 30 năm.
Bộ này cho biết trong một báo cáo tạm thời về nguồn nhân lực, cũng được công bố vào ngày 30/8, rằng “Do tỷ lệ sinh nở và dân số trong độ tuổi lao động giảm, Nhật Bản không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng”. “Chúng ta cần xây dựng một tổ chức có thể chiến đấu theo những cách mới trong khi vẫn tăng cường sức mạnh quốc phòng”.
Theo báo cáo của Bộ, tình trạng dân số trẻ ngày càng giảm và các công ty tư nhân cung cấp mức lương và phúc lợi tốt hơn khiến “môi trường tuyển dụng quân nhân trở nên tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II”.
Bộ đã yêu cầu 18 tỷ yên (124 triệu đô la) để triển khai hệ thống giám sát AI tại 40 căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên khắp Nhật Bản. Bộ cũng đang yêu cầu 4,3 tỷ yên (29,7 triệu đô la) cho kho dự trữ vật tư tự động để triển khai vào năm 2027 tại Okinawa.
Trong báo cáo tạm thời được công bố vào ngày 30/8, Bộ đã kêu gọi cải cách để cải thiện mức lương, môi trường làm việc, nhiều cơ hội đào tạo và học tập hơn, cũng như hỗ trợ các bà mẹ đi làm để thu hút nhiều phụ nữ hơn.
Bộ đã bị ảnh hưởng bởi một loạt các tiết lộ về tấn công tình dục, quấy rối và lạm dụng quyền lực trong những năm gần đây. Cuộc điều tra nội bộ vào năm ngoái đã chỉ trích các nỗ lực che đậy và sự thiếu ý thức trách nhiệm của các giám sát viên. Bộ cũng bị chỉ trích vào tháng 7 vì rò rỉ thông tin mật và các vụ bê bối tham nhũng.