Cáo trạng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhận hối lộ và đưa hối lộ” có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca đang khuấy động dư luận. Trong vụ án vừa kể, viên tướng từng là giám đốc công an thành phố Hải Phòng bị truy tố vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đã nhận 35 tỉ đồng của cặp vợ chồng chuyên mua bán hóa đơn trái phép để giúp họ thoát nạn nhưng lại không làm gì cả (1).
Tuy nhiên đó chưa phải là chuyện đáng chú ý nhất. Khi khám xét tư gia của ông Đỗ Hữu Ca, công an đã lập biên bản tạm giữ “nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm, hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do vợ chồng ông Ca đứng tên” và chuyện đáng chú ý nhất nằm ở chỗ, công an cho rằng vợ chồng ông Ca... “không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản này” nên... “sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ” (2). Đây là lần đầu tiên công an Việt Nam có... ý định điều tra về cách thức thủ đắc tài sản của một viên chức nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự của ông ta vì hình như khối tài sản này có nguồn gốc bất minh!
***
Tục ngữ có câu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” để khái quát lối hành xử bất thường và bất công, điển hình của tùy tiện, vô lối, vô pháp – cùng một loại việc nhưng ứng xử khác nhau, đặt nặng việc này nhưng xem nhẹ việc kia hoặc việc này thì xử nặng nhưng việc kia thì xử cho có, thậm chí không làm gì cả! Chuyện công an có... ý định điều tra “về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến khối tài sản của ông Ca” vì cho rằng ông Ca “không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân” là hết sức bất thường và... “bất công” với ông Ca. Muốn biết công an đối xử với ông Ca bất thường và... “bất công” thế nào thì cứ đối chiếu với trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc công an thành phố Hà Nội.
Ông Tuấn cũng là thiếu tướng như ông Ca, chức vụ cũng suýt soát với ông Ca. Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng nhận tiền chạy án cho một số cá nhân liên quan đến đại án được ví von là “giải cứu”. Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng đòi tiền... chẵn, không thèm tiền... lẻ. Tổng số tiền mà ông Tuấn đã nhận để chạy án là 2,85 triệu Mỹ kim và ông khai đã chuyển cho ông Hoàng Văn Hưng (Điều tra viên cao cấp) 2,2 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên ông Hưng bảo rằng ông chỉ nhận có 800.000 Mỹ kim nên ông Tuấn bị buộc phải nộp lại 1,8 triệu Mỹ kim. Khác với ông Ca (không chỉ ra được đã móc nối với ai nên bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), ông Tuấn túm được cổ, lôi được đàn em cùng xuống hố nên tội danh ông bị truy tố cũng... “sang” hơn. Đó là... “môi giới hối lộ”!
Bất thường và... “bất công” nằm ở chỗ, khi đưa vụ án “giải cứu” ra xét xử phúc thẩm, dù ông Tuấn không kháng cáo (điều này đồng nghĩa với chuyện ông “tâm phục, khẩu phục”, xem hình phạt năm năm tù mà mà Hội đồng xét xử sơ thâm đã tuyên là “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”) nhưng đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố vẫn đề nghị... khoan hồng hơn nữa - giảm án cho ông Tuấn. Hội đồng xét xử phúc thẩm vừa chấp nhận đề nghị đó - giảm cho ông Tuấn một năm tù (hình phạt chỉ còn bốn năm tù), vừa chấp nhận thêm một đề nghị nữa của Viện Kiểm sát ... tuyên trả lại cho gia đình ông Tuấn “146 lượng vàng, 210.000 Mỹ kim, dỡ bỏ lệnh phong tỏa một tỉ đồng của gia đình ông Tuấn tại ngân hàng” (2).
Tại sao không những không thắc mắc gia đình ông Tuấn đã “đầu tư, kinh doanh” những gì để có khối tài sản lớn hơn nhiều lần so với thu nhập chính thức của một sĩ quan công an để kiểm tra – xác định xem ông Tuấn và gia đình có hoặc đã “thực hiện kê khai thu nhập cá nhân”, mà các cơ quan bảo vệ pháp luật còn cùng nhau tung hừng để hoàn trả cho bằng được khối tài sản khổng lồ này? So với trường hợp ông Ca, đó chính là bất thường và... “bất công”, chứng tỏ sự bất nhất trong thực thi pháp luật!
***
Thật ra “soi” như đã “soi” ông Ca hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng tại sao các hệ thống bảo vệ pháp luật chưa bao giờ “soi” ông nào theo kiểu này? Không thể xem việc săm soi riêng ông Ca là thượng tôn pháp luật hay nghiêm minh khi đó chỉ là cá biệt. Nếu quan tâm đến nguồn gốc và phương thức vợ chồng ông Ca thủ đắc tài sản, vì sao Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ loan báo “nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm” chứ không bạch hóa giá trị?
Úp úp, mở mở như thế có khác gì công an, viện kiểm sát đang dùng chiêu trong cuộc chơi với cá nhân nào đó hay nhóm nào đó? Ngoài yếu tố vừa đề cập, người viết bài này không tin công an nói riêng và hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự vợ chồng ông Ca vì “không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân” bởi đi theo lối này sẽ tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm cho “các ông, các bà” đã cũng như đang “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh”.
Đâu phải tự nhiên mà bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa “giàu có bất thường” (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017 (3) và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018 (4).
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
(4) https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh-20171121095053431.htm