Tờ Quân đội nhân dân (QĐND) vừa đăng Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay “truyền thông đen” phá hoại đại hội đảng (1). Đối chiếu giữa thực tế và cách lý giải, nhận định của QĐND, có thể thấy rằng, truyền thông “đỏ” mà QĐND là đại diện khó… khá!
***
Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay “truyền thông đen” phá hoại đại hội đảng cảnh báo hai khuynh hướng: Một, các KOL (những người nổi tiếng trên mạng xã hội), bao gồm vài cựu nhà báo, phóng viên tự lập các fanpage, tự xưng là “truyền thông sạch”, “báo trung lập”, “nhà báo công dân” liên tục viết bài xuyên tạc, kích động phá hoại đại hội đảng các cấp. Hai, những cán bộ cơ hội, biến chất, kéo bè kết cánh, đứng sau giật dây, kích động, xúi giục, thậm chí đầu tư tài chính để mua chuộc, sử dụng “truyền thông đen” theo kiểu “ném đá giấu tay” và đề nghị các cơ quan pháp luật tăng cường quản lý, sau khi đã giáo dục thuyết phục, các đối tượng không chuyển biến, cần có biện pháp xử lý theo pháp luật, không để họ lũng đoạn mạng xã hội, coi thường kỷ cương phép nước, gây bức xúc trong xã hội!
Để minh họa cho cảnh báo và đề nghị vừa kể, QĐND dẫn chuyện chính quyền nhiều tỉnh sử dụng công quỹ mua quà tặng đại biểu dự đại hội đảng bị lợi dụng để… phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động… và cáo buộc, không chỉ “truyền thông đen”, tham gia phá hoại đại hội đảng còn có một số cơ quan báo chí nêu không đúng, mang tính võ đoán, không có căn cứ về công tác nhân sự ở địa phương trước thềm đại hội như trường hợp Bình Thuận, hoặc như trường hợp Thanh Hóa. Việc một số cơ quan báo chí nhận được đơn nặc danh tố cáo một đồng chí bí thư huyện ủy mà vẫn tiến hành điều tra, viết bài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị địa phương trước thềm đại hội đảng bộ huyện, dù Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh và kết luận cán bộ không vi phạm như đơn, thư nặc danh được QĐND nhấn mạnh là… đáng tiếc!
Cứ như cách lý giải và nhận định của QĐND thì truyền thông “đỏ” không những không bận tâm đến nhân tâm, dân ý mà cũng chẳng màng đến sự thật, kể cả những cam kết của các viên chức hữu trách về lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương. Thành ra tố cáo và kiểm tra, xác định thực hư đều đáng phải trừng phạt. Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay “truyền thông đen” phá hoại đại hội đảng chính là ví dụ minh họa… dân chủ chỉ là… chiêu bài, kể cả trong đảng. Cũng vì vậy, đảng viên chỉ có một cách để bày tỏ sự bất đồng là kéo bè kết cánh, đứng sau giật dây, kích động, xúi giục, thậm chí đầu tư tài chính để mua chuộc, sử dụng “truyền thông đen” theo kiểu “ném đá giấu tay” và trở thành những cán bộ cơ hội, biến chất! Nhất tâm thờ đảng nên truyền thông “đỏ” không cần biết tại sao?
Thế thì bao giờ truyền thông “đỏ” mới… khá, lúc nào mới thu hút, thuyết phục được đám đông, không phải vừa rượt theo “truyền thông đen”, vừa la làng vì… dư luận… phức tạp? QĐND lưu ý thực tế đáng lo ngại là một số đơn, thư tố cáo sai sự thật, một số thông tin tán phát trên mạng xã hội và gửi đài, báo nước ngoài... có sự nhúng tay, góp sức của một số cán bộ cơ hội, biến chất và cho rằng đó là quan hệ nhân quả với thống kê: Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2020, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp nhận hơn 9.100 đơn các loại, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2019, song có tới hơn 6.400 đơn không đủ điều kiện xử lý (trên 70%)… Khoan bàn về so sánh này nhưng ít nhất, so sánh đó cho thấy “truyền thông đen” mà… sang, khác với QĐND, “đỏ” nhưng quá tệ nên chẳng ai, kể cả cán bộ nghĩ đến chuyện cậy nhờ lên tiếng giúp mình!
***
Xử lý nghiêm chiêu trò tiếp tay “truyền thông đen” phá hoại đại hội đảng dành khá nhiều lời để chỉ trích “truyền thông đen” về trường hợp ông Bùi Văn Cường – Bí thư Đắk Lắk bị tố cáo “đạo văn”, “gian lận học thuật”.
Phải hết sức… ngây thơ và vô cùng… dễ dãi như… truyền thông “đỏ” mới tin ông Cường bị hàm oan vì Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng đã… xác minh và… kết luận ông Cường không “đạo văn” hay “vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo” trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018 như tố cáo ngày 10/2/2020 của ông Hoàng Minh Tuấn (2).
Vì sao Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng lại thẩm định luận văn tiến sĩ? Nếu Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ của BCH TƯ đảng có thể làm điều đó thì bao giờ Việt Nam giải thể các hội đồng khoa học?
Kết luận của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ được công bố sau khi các đại biểu tham dự đại hội đảng ở Đắk Lắk bầu ông Cường làm Bí thư tỉnh này thêm một nhiệm kỳ nữa. Mãi tới lúc đó ông Cường mới lên tiếng, khẳng định: Tôi không sai nên không hề lo lắng vì “cây ngay không sợ chết đứng” và các cơ quan chức năng ở trung ương đang tìm xem động cơ là gì! Đó là lần đầu tiên ông Cường lên tiếng sau khi bị tố “đạo văn”, “gian lận học thuật” và Công an Đắk Lắk mời hai người tố cáo ông là ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Mạnh Tuấn… làm việc rổi chuyển thành tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp và cuối cùng tiến hành bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu QĐND là một cơ quan truyền thông đúng nghĩa, thay vì xem ông Cường như… ví dụ về “chiêu trò tinh vi, thâm hiểm” của “truyền thông đen”, QĐND phải hỏi ông Cường: Vì sao ông Cường… tháng này khác hẳn ông Cường… cách nay bốn tháng?
Hồi tháng sáu vừa rồi, giữa lúc các địa phương rầm rộ tổ chức đại hội đảng các cấp, ông Cường đăng đàn, tuyên bố xanh rờn: Hồ sơ đẹp, tướng mạo được chưa hẳn là nhân sự tốt cho đại hội đảng!
Theo ông Cường… tháng sáu: Công khai, minh bạch và kết luận rõ ràng mới là những yếu tố quan trọng để lựa chọn nhân sự. Đặc biệt là trong trường hợp có đơn, thư về chuyện nọ, chuyện kia thì phải giải quyết dứt điểm. Giải quyết không xong thì tôi hay bất cứ nhân sự nào cũng phải để lại, chúng tôi sẵn sàng để khuyết vị trí đó cho đến khi kiểm tra nhân sự có kết luận rõ ràng mới bầu bổ sung để đảm bảo chắc chắn chọn đúng, trúng nhân sự. Chưa kể ông Cường… tháng sáu còn nhấn mạnh: Nếu có đơn, thư, dư luận mà không tiến hành xác minh, cứ bầu, sau đó có vấn đề sẽ không tốt cho cả nhiệm kỳ. Việc này phải làm kỹ lưỡng, đúng quy định. Nếu chọn được đúng cán bộ, chọn được người đứng đầu tốt, có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu thì thúc đẩy địa phương phát triển, dân được nhờ, còn nếu bố trí không đúng thì kéo lùi sự phát triển của địa phương (3).
Không cần giải thích vẫn có thể hiểu tại sao ông Cường… tháng sáu khác xa ông Cường… tháng này và tại sao truyền thông “đỏ” không… cảnh báo, đề nghị nào về sự khác thường ấy. Truyền thông “đỏ” luôn để dành điều đó, tặng… “truyền thông đen”!
Chú thích