Việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục có biệt lệ về nhân sự cho một số trường hợp đã quá tuổi quy định chỉ càng chứng tỏ họ ‘đã thất bại trong công tác phát hiện và bồi dưỡng cán bộ’ và họ ‘đặt ra quy định nhưng lại làm sai quy định’, một nhà quan sát từ trong nước nói với VOA.
Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hội nghị trung ương 15 hôm 17/1 – hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần cuối cùng trước khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 13 để thực hiện việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mỗi năm năm một lần.
Hội nghị 15 đã thông qua danh sách bổ sung vào Ban chấp hành trung ương khóa mới, các trường hợp đặc biệt được ở lại Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa 13. Nhưng quan trọng nhất là biểu quyết về các ‘trường hợp đặc biệt’ trong số bốn vị trí lãnh đạo chủ chốt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Hội nghị này đã họp xong chỉ trong vòng 1,5 ngày trong khi lúc đầu dự kiến họp đến 3 ngày và số phiếu dành cho các trường hợp đặc biệt ‘tập trung rất cao’, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.
‘Phương án nhân sự mới’
Theo quy định lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những ai đã quá 68 tuổi thì không được phép tái cử. Như vậy thì tất cả các vị từ Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều phải về hưu. Để được tiếp tục ở lại thì họ phải được Trung ương Đảng chấp thuận cho là ‘trường hợp đặc biệt’.
Hiện giờ vẫn chưa rõ các trường hợp đặc biệt đó là ai. Theo quy định của Chính phủ thì thông tin về nhân sự lãnh đạo được đề cử của Đảng thuộc diện ‘tuyệt mật’, nhưng sau hội nghị 15 thì đã có những tin tức rò rỉ về các trường hợp đặc biệt này.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến đồng thời là nhà quan sát chính trị, cho biết sau hội nghị 15 vừa qua, đã có tin rò rỉ ra là ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư vốn được dự kiến sẽ lên làm thay ông Trọng làm Tổng bí thư tại Đại hội 13, không đạt đủ tín nhiệm trong Đảng.
Ông chỉ ra việc kỳ này Đảng phải họp thêm hội nghị 15 trong khi các khóa trước chỉ họp tới lần thứ 14 là đã quyết định xong để chứng tỏ rằng Đảng đã ‘không thể thống nhất về danh sách nhân sự chủ chốt’.
Tuy nhiên, đến hội nghị 15 thì chỉ cần có 1,5 ngày là đã họp xong nên ông A cho rằng ‘ngay từ đầu hội nghị họ đã đi đến sự thống nhất (về phương án mới)’.
“Có lẽ họ chỉ bỏ phiếu thôi chứ không có bàn cãi gì nên hội nghị mới diễn ra nhanh như vậy,” ông suy đoán.
Hiện giờ theo các tin đồn trên mạng xã hội mà VOA chưa kiểm chứng được thì Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các trường hợp đặc biệt được phép ở lại.
“Nếu ông Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông A nói. “Bởi vì ông ấy đã được một lần đặc biệt rồi (tại Đại hội 12 hồi năm 2016). Bây giờ thêm một lần đặc biệt nữa thì hơi kỳ.”
Ông dẫn ra điều lệ của Đảng ghi rằng ‘không ai được giữ chức tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ’ để cho rằng nếu ông Trọng ở lại thì ‘phải thay đổi điều lệ Đảng’. Ông Trọng lên làm tổng bí thư từ năm 2011 và đến nay đã được hai nhiệm kỳ.
“Nếu phải sửa đổi Điều lệ Đảng cho ông Trọng thì cũng na ná như ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc đã sửa Hiến pháp để cho ông ấy làm chủ tịch nước suốt đời,” ông A lưu ý.
‘Ông Phúc xứng đáng’
Ngoài việc sửa đổi Điều lệ Đảng, nhà hoạt động dân chủ này còn chỉ ra rằng việc ông Trọng tiếp tục nắm quyền là điều không tốt cho nhân quyền và phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vì trong năm năm vừa qua ‘tình hình nhân quyền Việt Nam tồi tệ đi một cách đáng kể’.
Ông cho rằng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế để giúp Việt Nam tăng trưởng như hiện nay ‘không phụ thuộc vào ông Trọng’ mà là chủ trương chung của Đảng Cộng sản Việt Nam nên ai làm Tổng bí thư cũng phải vậy thôi.
Còn công cuộc chống tham nhũng mang dấu ấn cá nhân của ông Trọng, ông A cũng cho rằng ‘không phải dựa vào ông Trọng mà thành công được mà phải có các điều kiện như có nhà nước pháp quyền, nền tư pháp độc lập, báo chí tự do và xã hội dân sự năng động’.
Mặc dù chỉ trích Đảng làm sai quy định, nhưng ông A cho rằng ‘nếu cực chẳng đã phải có trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người xứng đáng’.
“Ông Phúc rất năng nổ trong chỉ đạo các chính sách kinh tế và chống dịch Covid-19,” ông nói.
“Chính phủ đã có những hoạt động ráo riết, rất phù hợp với khoa học về chống dịch bệnh và làm rất kiên quyết. Chính vì thế nên thành tích chống dịch ở Việt Nam đạt được rất tốt,” ông A chỉ ra.
‘Nên cạnh tranh công khai’
Nhà quan sát chính trị này cho rằng việc có trường hợp đặc biệt là ‘thất bại của Đảng’.
“Nếu đã có quy định mà hết lần này đến lần khác phải có trường hợp đặc biệt thì chỉ chứng tỏ rằng các vị đặc biệt chỉ là đặc biệt tham quyền cố vị,” ông phân tích.
Ngoài ra, theo lời ông, nếu lâu nay Đảng luôn lặp đi lặp lại là ‘công tác cán bộ là quan trọng’ mà đến giờ không có người thay thì chỉ chứng tỏ ‘chính sách đó là thất bại’.
“Nó cho thấy công tác cán bộ chuẩn bị nhiều năm qua vẫn không xong. Nó thật sự gây bất ổn định cho Đảng,” ông nói thêm.
Lẽ ra, theo lập luận của ông, để cho trong Đảng xuất hiện người tài thì Đảng nên áp dụng phương pháp cho các ứng viên trong Đảng cạnh tranh công khai với nhau.
“Họ phải tranh luận với nhau, nêu đường lối họ là thế này thế kia, và cuối cùng trong Đảng họ sẽ bỏ phiếu cho một lãnh đạo mới,” ông giải thích.
“Qua các cuộc tranh luận như thế thì người ta mới biết họ là người như thế nào,” ông nói thêm. Đây là mô hình mà hầu hết các đảng chính trị ở các nước phương Tây đều áp dụng khi bầu lãnh đạo.