Trục xuất người tị nạn ‘gây tổn hại lòng tin’ Việt – Mỹ

Di dân bị trục xuất khỏi Mỹ. (Ảnh minh họa)

Một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói ông đồng tình với ý kiến cho rằng các vụ trục xuất người tị nạn gốc Việt khỏi Mỹ là điều “đáng khinh”, “gây tổn hại lòng tin” giữa hai quốc gia.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ] John Kerry đã gọi chính sách trục xuất mới này là điều 'đáng khinh', và tôi đồng tình.
Ông Ted Osius nói.

Ông Ted Osius nói với VOA Việt Ngữ như vậy hôm 18/12, ít ngày sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng “5 nghìn người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ, không phải là công dân Hoa Kỳ, đã nhận được quyết định cuối cùng là bị trục xuất”.

Cựu quan chức ngoại giao có nhiều duyên nợ với Việt Nam nói ông “vẫn tin rằng người dân Mỹ không ủng hộ việc trục xuất những người tị nạn từng chiến đấu cạnh các binh sĩ Mỹ trong những năm 60 và 70 ở Việt Nam, cũng như con cái của các binh sĩ Mỹ”.

“Cựu Ngoại trưởng Mỹ] John Kerry đã gọi chính sách trục xuất mới này là điều 'đáng khinh', và tôi đồng tình”, ông nói.

XEM THÊM: Dân biểu Mỹ ‘quan ngại’ vụ trục xuất người gốc Việt

Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt Ngữ, ngoài việc dùng từ “đáng khinh”, ông Kerry còn viết thêm trên Twitter: “Sau khi quá nhiều người, từ ông George H.W.Bush tới ông John McCain và ông Bill Clinton, đã nhiều năm nỗ lực hàn gắn vết thương và để chiến tranh ở phía sau chúng ta, họ [chính quyền của ông Trump] đang quay lưng với những người bỏ chạy [khỏi Việt Nam] và nhiều người từng chiến đấu cạnh chúng ta. Để được lợi lộc gì?”

Sau khi quá nhiều người, từ ông George H.W.Bush tới ông John McCain và ông Bill Clinton, đã nhiều năm nỗ lực hàn gắn vết thương và để chiến tranh ở phía sau chúng ta, họ [chính quyền của ông Trump] đang quay lưng với những người bỏ chạy [khỏi Việt Nam] và nhiều người từng chiến đấu cạnh chúng ta.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry viết trên Twitter.

Khi được hỏi rằng theo những gì ông biết, Việt Nam có sẵn lòng nhận lại những người bị trục xuất hay không, ông Osius trả lời rằng phía Hà Nội “đã nhận một số ít người tị nạn tới Mỹ trước năm 1995”.

Ông nói tiếp: “26 thành viên Quốc hội đã viết thư gửi Tổng thống [Donald Trump], Ngoại trưởng [Mike Pompeo] và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa [Kirstjen Nielsen] để yêu cầu chính quyền 'tôn trọng tinh thần nhân đạo và mục đích' của thỏa thuận 2008. Thỏa thuận, do chính quyền của Tổng thống George W. Bush thương thảo và được chính quyền của ông Obama ủng hộ, không lường trước chuyện trục xuất người tị nạn tới Mỹ trước năm 1995”.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”.

XEM THÊM: Biểu tình tại Little Saigon chống trục xuất người Việt tị nạn

Trong bức thư đề ngày 13/12, hơn hai chục nhà lập pháp, trong đó có nữ dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ, bà Stephanie Murphy, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Bộ An ninh Nội địa Mỹ có ý định tái đàm phán các điều khoản của bản ghi nhớ này.

“Kể cả những ai tới Mỹ sau ngày 12/7/1995, thỏa thuận cam kết 'xem xét khía cạnh nhân đạo, sự thống nhất gia đình và các hoàn cảnh'”, lá thư có đoạn.

Sau khi tới Mỹ, những người tị nạn Việt Nam, nhiều người là trẻ em hoặc thiếu niên, đã được tái định cư trong các khu vực chật vật sống còn mà không có sự hỗ trợ hoặc các nguồn lực để đối mặt với chấn thương tâm lý vì chiến tranh.
26 dân biểu Mỹ viết trong thư gửi Tổng thống Trump.

“Sau khi tới Mỹ, những người tị nạn Việt Nam, nhiều người là trẻ em hoặc thiếu niên, đã được tái định cư trong các khu vực chật vật sống còn mà không có sự hỗ trợ hoặc các nguồn lực để đối mặt với chấn thương tâm lý vì chiến tranh".

Các dân biểu Mỹ viết tiếp rằng “chính vì lẽ đó, một số đã phạm sai lầm, đẩy họ phạm pháp”, nhưng “những người tị nạn này đã thụ án xong và giờ đang đóng góp tích cực vào các cộng đồng của mình”.

VOA Việt Ngữ đã liên lạc, đề nghị phỏng vấn đại diện của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Trả lời tạp chí The Atlantic, người phát ngôn của Bộ này, bà Katie Waldman, nói rằng “5 nghìn người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ” là “những người không phải là công dân [Hoa Kỳ], đã bị bắt, bị kết án dưới các chính quyền trước và cuối cùng đã bị một thẩm phán di trú liên bang ra phán quyết phải bị trục xuất”.

Đại sứ Mỹ Ted Osius và Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowskha thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa, ngày 24/10/2017. (Ảnh: Facebook Mary Tarnowska)

Khi được hỏi về tác động của bước đi này đối với mối bang giao giữa Hà Nội và Washington, cựu Đại sứ Ted Osius nói: “Mối quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ, vốn mang lại lợi ích cho cả hai nước, đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Động thái này của chính quyền [của ông Trump] sẽ gây tổn hại lòng tin mà chúng tôi đã dày công gây dựng với Việt Nam”.

Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà. Ảnh: Zing.vn

Việt Nam chưa liên tiếng trước diễn biến mới nhất trên, nhưng Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà từng nói với VOA tiếng Việt rằng các cuộc thương thảo về trục xuất được thực hiện “trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước”.

Mới cuối tháng trước, ông Osius nói rằng ông “rất vui” sau khi có tin chính quyền của Tổng thống Trump “âm thầm ngưng trục xuất" những người tị nạn Việt Nam tới Hoa Kỳ trước năm 1995”.