Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang công kích nhau trong những ngày cuối của chiến dịch vận động tranh cử trước kỳ bầu cử chính thức vào thứ Ba tuần tới.
Trước những “đòn” tấn công lẫn nhau từ hai ứng cử viên, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên trường Luật thuộc Đại học Havard - Hoa Kỳ, và là người theo dõi rất sát cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, nhận định nhìn vào khía cạnh tích cực thì chính cuộc bầu cử có sự “sát phạt” nhau như vậy chứng tỏ sự tự do tối đa của nước Mỹ.
Ông nói thêm: “Cái bộ máy bầu cử phức tạp như vậy đó, thì không có ai ăn gian được một cách gọi là thay đổi toàn diện được cái kết quả sau cùng. Cùng lắm có chỗ bầu sai hay đóng cái phòng trụ sở thùng phiếu ở khu da đen chẳng hạn như họ đã làm trước đây. Những cái đó thì chỉ có hiệu lực nhỏ nhoi thôi. Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử gián tiếp, bầu xét cả mỗi tiểu bang, ra kết quả người nào mà hơn phiếu quần chúng popular vote thì mới thu được toàn thể electoral vote của tiểu bang đó. Nó gián tiếp nhưng nó rất dân chủ.”
Theo Tiến sĩ Tài, cá tính của bà Hillary kín đáo, che dấu những toan tính, vì cả cuộc đời bà phải tranh đấu chống lại những sự đàm tiếu, cho nên bà có sự dè dặt. Hơn nữa, vì là phụ nữ nên bà Hillary không ăn nói kiểu bình dân như ông Bush - có thể dùng một ly bia, ngồi nói chuyện phiếm với người dân. Mặc dù vậy, ưu điểm của bà Clinton là người có khả năng, nhiều năm làm những việc mà có thể chuẩn bị cho chức vụ tổng thống.
Ông nói: “8 năm làm first lady (đệ nhất phu nhân), bà ấy là người quan sát rất gần với cả công việc của một người tổng thống, là chồng bà ấy. Bà thông minh và đã có khả năng trong nhiều năm rồi, trước đó nữa. 8 năm làm nghị sĩ, 4 năm làm ngoại trưởng, bao nhiêu kinh nghiệm như vậy, quốc tế biết đến như vậy thì khi bà ngồi vào bàn thương thảo với các quốc trưởng thế giới rất dễ dàng. Một người đàn bà làm tổng thống có khuynh hướng tạo ra hòa bình dễ hơn.”
Tuy nhiên, vụ bê bối email cá nhân của bà Clinton đã khiến bà trở thành một người không đáng tin cậy trong mắt cử tri và thu hẹp khoảng cách giữa bà và ông Trump trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Thông báo của Giám đốc FBI James Comey mở lại cuộc điều tra các email của bà Clinton đã tạo cho ông Trump động lực mới trên con đường vận động tranh cử. Các cuộc thăm dò mới nhất mà đối tượng là những cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, cho thấy cuộc chạy đua giữa bà Clinton và ông Trump quá sít sao để có thể xác quyết ai thắng ai thua, trong khi các đối tượng còn cân nhắc nên trao lá phiếu của mình cho ai, với hai sự lựa chọn khác, là ứng cử viên có lập trường tự do Gary Johnson và ứng cử viên của Đảng Xanh Jill Stein.
Trước hàng loạt khuyết điểm dễ dàng nhận thấy, Tiến sĩ Tạ Văn Tài nhận định về tính “mị dân” trong những lời nói của ông Trump: “Ưu điểm chỉ có mỗi một cái là cái cách ông ấy nói giọng tin tưởng cho nên người Mỹ họ thấy rằng có vẻ như là theo ông ấy thì có thể thắng được. Kiểu người Mỹ nông nổi, mà phần nhiều cử tri rất là nông nổi, cứ tin lời nói thánh nói tướng lên là tự nhiên sẽ khắc thắng. Nhưng mà thực tế nó khác. Những người tin tưởng vào các giải pháp của ông Trump là chính họ thiếu thực tế.”
Về phía ông Trump, lợi thế lớn nhất của ông là một doanh nhân và có người hy vọng rằng những thành công trên thương trường sẽ góp phần giúp ông thành công trên chính trường. Với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump khiến nhiều cử tri tin rằng ông sẽ mang công ăn việc làm từ các nước châu Á về cho người Mỹ. Ngoài ra, một số người gốc Việt, tại bang “chiến trường” Florida chẳng hạn, đã tỏ ý ủng hộ ông Trump với suy nghĩ sẽ bầu cho người nào có tư tưởng mạnh về quốc phòng và ngoại giao để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông.
Với cục diện của cuộc bầu cử như hiện nay, khi các ứng cử viên liên tục công kích chuyện đời tư các nhân của nhau, Tiến sĩ Tài cho rằng cuộc bầu cử năm nay rất “hay ho”, rất đáng theo dõi, và cũng dân chủ như các cuộc bầu cử trước đây. Ví dụ như cuộc bầu cử năm 2008, là cuộc bầu cử không ai ngờ tới khi có một Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, sau nhiều năm người da đen bị đàn áp. Cũng như vậy, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 này, lần đầu tiên một phụ nữ ra tranh cử và việc này chính là một điểm son trong nền dân chủ Mỹ.