Hoa Kỳ sẽ không cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể bắn vào lãnh thổ Nga -- Tổng thống Joe Biden nói hôm thứ Hai 30/5, khi Ukraine yêu cầu các hệ thống vũ khí tầm xa hơn để giúp họ chống lại Nga.
Các quan chức Ukraine yêu cầu các đồng minh cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa hơn bao gồm Hệ thống phóng tên lửa nhiều lần, gọi tắt là MLRS, có thể bắn một loạt tên lửa đi cách xa hàng trăm dặm.
"Chúng tôi sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga", Tổng thống Biden nói với các phóng viên sau khi trở lại Nhà Trắng sau một ngày cuối tuần ở Delaware.
Tổng thống Biden không loại trừ việc cung cấp bất kỳ hệ thống vũ khí cụ thể nào, nhưng thay vào đó, dường như đặt ra các điều kiện về cách chúng có thể được sử dụng. Ông Biden và nhóm công tác của ông đang cân nhắc một gói thiết bị quân sự mới và dự kiến sẽ công bố trong những ngày tới.
MLRS đang được xem xét, nhưng không có khả năng tấn công tầm xa ngoài mục đích sử dụng trên chiến trường ở Ukraine -- một quan chức cấp cao cho biết.
Tổng thống Biden muốn giúp Ukraine tự vệ nhưng phản đối việc cung cấp vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng để tấn công Nga.
CNN và The Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu rằng chính quyền Biden đang nghiêng về việc gửi MLRS và một hệ thống khác, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao, được gọi là HIMARS,trong khuôn khổ của gói viện trợ quân sự sắp tới.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Ukraine và hàng triệu người đã thất tán kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, mà Moscow gọi là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Chính quyền Biden và các đồng minh của Mỹ ngày càng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa hơn, bao gồm cả pháo M777, trong khi Kyiv chiến đấu chống lại quân Nga thành công hơn các quan chức tình báo đã dự đoán.
Ukraine đã bắt đầu nhận tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch và lựu pháo tự hành từ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết hôm thứ Bảy.
(Theo Reuters)