Philippines cần phải “làm nhiều hơn” ngoài việc phản đối “hành động bất hợp pháp” của Trung Quốc chống lại hải quân nước này làm nhiệm vụ tiếp tế thường lệ ở Biển Đông vào tuần trước, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nói hôm 27/6, nhưng không đi vào chi tiết.
Một thủy thủ Philippines đã bị thương hôm 17/6 trong vụ việc mà quân đội của quốc gia Đông Nam Á này gọi là “cố ý đâm tàu vào với tốc độ cao” của Cảnh sát biển Trung Quốc, một tuyên bố mà Trung Quốc phản đối và nói rằng hành động của họ là hợp pháp.
“Chúng tôi đã đưa ra phản đối hơn một trăm lần, chúng tôi cũng đã gửi từng ấy số công hàm,” ông Marcos nói với các phóng viên bên lề một sự kiện nghề nghiệp ở thủ đô Manila. "Chúng ta phải làm nhiều hơn thế."
Tuy nhiên, ông không đưa ra thông tin chi tiết.
Ông Marcos nói thêm rằng không có phát súng nào được bắn ra nên hành động của Trung Quốc không thể coi là một cuộc tấn công vũ trang, đồng thời gọi đây là “hành động có chủ ý” nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đang có tranh chấp.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 27/6 đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận về tuyên bố của Tổng thống Marcos.
Hoa Kỳ, nước lên án hành động của Trung Quốc, đã tái khẳng định cam kết sắt đá của mình với Philippines trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines hôm 26/6.
“Hai quan chức đã thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền được đi lại trên không, trên biển và được hoạt động của tất cả các quốc gia – một cách an toàn và có trách nhiệm – ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn.
Biển Đông, vốn quan trọng đối với thương mại toàn cầu, đã trở thành điểm nóng chính trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ chung đã có từ 7 thập kỷ qua nhằm bảo vệ Philippines trước một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào máy bay hoặc tàu thuyền của chính phủ nước này trên tuyến đường thủy đông đúc.
“Cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề ở Nhân Ái Tiêu không phải là việc của Hoa Kỳ,” người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói trong một cuộc họp báo, sử dụng tên gọi của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây.
“Việc Hoa Kỳ xúi giục và hỗ trợ hành vi xâm phạm và khiêu khích của Philippines là cực kỳ nguy hiểm và vô trách nhiệm”, ông Ngô nói thêm, đồng thời bác bỏ hiệp ước của Philippines với Hoa Kỳ là một mối đe dọa vô ích.
Đại sứ Philippines tại Washington hôm 26/6 nói rằng Philippines chưa yêu cầu Mỹ hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ chỉ cung cấp "các hình ảnh" để hỗ trợ Philippines.
Theo Đại sứ Jose Manuel Romualdez, Philippines đang dàn xếp một cuộc họp với các giới chức Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng chứ không phải để giải quyết các yêu sách lãnh thổ và hy vọng điều đó có thể diễn ra vào đầu tháng tới.
Ông Romualdez nói rằng nếu Philippines không thể tiếp tế cho quân đội của mình, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc "giết chết" binh lính của họ vì đói khát.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn xảy ra xung đột lớn”, ông nói. "Và chúng tôi chắc chắn cũng không muốn xung đột. Và vì vậy, đó là điểm khởi đầu tốt."
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tòa án quốc tế đã bác bỏ các yêu sách mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc vào năm 2016, một phán quyết mà Bắc Kinh bác bỏ.