Dẫu án đã được tuyên cách nay cả tuần song vẫn còn rất nhiều người bày tỏ sự xót xa, bất bình trước chuyện tòa tỉnh Trà Vinh phạt ông Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù và bà Thạch Thi Kim Nhung 10 năm tù vì “mua bán người dưới 16 tuổi”.
Ông Tuấn 29 tuổi, còn bà Nhung 22 tuổi. Tuy không đăng ký kết hôn nhưng theo nhiều nguồn khác nhau, cả chính thức (1) lẫn không chính thức (2) thì trên thực tế, họ là vợ chồng suốt bảy năm vừa qua. Cả hai sống chung khi bà Nhung từ Trà Vinh tìm đến TP.HCM làm thuê rồi gặp ông Tuấn. Lúc bà Nhung mang thai đứa con đầu tiên thì ông Tuấn phải thi hành nghĩa vụ quân sự (NVQS). Hoàn thành NVQS, ông Tuấn và bà Nhung tiếp tục sống chung và họ có thêm với nhau ba đứa con nữa.
Bởi chỉ có một mình ông Tuấn đi làm để lo cho gia đình sáu người và lương phụ hồ chỉ 120.000 đồng/ngày nếu... có việc nên cả hai quyết định bán đứa con thứ tư hai tuổi để lấy 18 triệu nuôi dưỡng ba đứa còn lại và cùng trở thành tội phạm...
***
Vụ án vừa kể có rất nhiều điểm đáng chú ý. Điểm đầu tiên, khiến nhiều người xót xa, bất bình là ai sẽ lo cho bốn đứa trẻ mà đứa lớn nhất mới sáu tuổi, đứa nhỏ nhất mới hai tuổi. Điểm thứ hai là tại sao hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt đưa tin về sự kiện này nhưng tường thuật rất ngắn gọn, lờ đi tất cả những tình tiết có liên quan đến hoàn cảnh ngặt nghèo của ông Tuấn và bà Nhung – vốn là nguyên nhân chính dẫn tới việc họ phạm tội, thậm chí còn xuyên tạc bằng cách xác định họ chỉ là... “vợ chồng hờ” (3)?
Điểm thứ ba là tại sao chỉ có ông Tuấn và bà Nhung – phía bán, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phía mua – một thanh niên 22 tuổi, tên là Nguyễn Hữu Dương, cư trú ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được miễn trách nhiệm hình sự vì “đang bị một căn bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, nên hệ thống tư pháp (từ công an, kiểm sát đến tòa án) nhất trí... “tạm đình chỉ điều tra” để “áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Theo thông tin chính thức, do túng thiếu, ông Tuấn và bà Nhung đã từng tìm những gia đình hiếm muộn để thương lượng về việc giao con gái út rồi xin chút tiền nuôi ba đứa còn lại nhưng không thành công. Cuối cùng, họ phải dùng mạng xã hội và ông Dương xuất hiện! Ông Dương có phải là... “chim mồi” – loại... “biện pháp nghiệp vụ” mà công an Việt Nam thường xuyên sử dụng để bẫy ông Tuấn, bà Nhung hay là thành viên trong một tổ chức mua bán trẻ con chuyên nghiệp? Phải hỏi như thế vì rõ ràng, lối loan tin của hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện này hết sức bất thường!
Đem sự bất thường vừa đề cập đặt bên cạnh những chỉ trích kéo dài đã vài thập niên từ cộng đồng quốc tế về việc chính quyền Viẹt Nam dung dưỡng tệ nạn buôn người (4) ắt không thể không liên tưởng đến việc phải chăng chính quyền Việt Nam muốn dùng ông Tuấn và bà Nhung như những... “phương tiện” để chứng minh thiện chí chống buôn người và sau khi nhận đủ loại trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, năng lực chống buôn người đã được... cải thiện (5)?
***
Tháng 7 năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người 2022” (Báo cáo TIP - Trafficking in Persons – 2022) sau khi khảo sát hoạt động phòng, chống buôn người của 188 quốc gia.
Vào thời điểm đó, ngoài Malaysia, Myanmar, có thêm ba quốc gia nữa thuộc khối ASEAN bị xếp vào “loại ba” - loại thấp nhất (còn bị gọi là “danh sách đen về tệ nạn buôn người” bởi dung dưỡng cưỡng bức lao động, nô lệ tình dục), trong số này có Việt Nam (hai quốc gia còn lại là Campuchia, Brunei) (6). Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam bị xếp vào loại ba là cách xử lý vụ H Xuân Siu (người Gia Rai, 15 tuổi, cư trú ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk)...
Trước nữa, cho dù có những bằng chứng rõ ràng về việc một số doanh nghiệp chuyên XKLĐ của Việt Nam đã tuyển cả những bé gái dưới 16 tuổi, làm giả giấy tờ để đưa sang Saudi Arabia làm thuê mà điển hình là H Xuân Siu (đổ bệnh vì bị hành hạ, bị bỏ đói, không được chữa trị, van xin được hồi hương nhưng không được hỗ trợ và chết trước khi có thể lên phi cơ) nhưng chỉ có các tổ chức quốc tế, sau đó là Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự lo ngại về thảm trạng của phụ nữ và bé gái Việt Nam được đưa sang Saudi Arabia.
Cũng vì vậy, cuối năm 2021, bốn Đặc sát viên và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cùng ký tên vào một văn bản, nhắc nhở chính quyền Việt Nam về các nghĩa vụ pháp lý đối với cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tệ nạn buôn người, từ điều tra đến cung cấp các biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ và bé gái Việt Nam do nghèo đói mà bị gạt ra bên lề xã hội rồi trở thành nạn nhân buôn người và những kẻ buôn người không bị trừng phạt (7)...
Tuy nhiên chỉ tóm tắt là chưa đủ. So sánh kỹ lưỡng hơn về cách xử lý vụ H Xuân Siu, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế với việc xử lý hình sự ông Tuấn, bà Nhung sẽ thấy, không xây dựng CNXH sẽ không có những chuyện như đã biết...
Chú thích
(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ban-con-voi-gia-18-trieu-dong-hai-vo-chong-lanh-an--i720259/
(4) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/vietnam/#report-toc__exec-summary
(5) https://tienphong.vn/viet-nam-noi-ve-bao-cao-buon-ban-nguoi-cua-my-post1545042.tpo
(6) https://thediplomat.com/2022/07/us-adds-vietnam-cambodia-brunei-to-human-trafficking-blacklist/