Vừa có hai câu chuyện, một trên mạng xã hội, một trên hệ thống truyền thông chính thức tuy riêng biệt, không liên quan gì đến nhau nhưng cùng cho thấy nhận thức về nhân đạo, nhân văn của những người cộng sản ở Việt Nam...
***
Câu chuyện thứ nhất, ông Trần Quyết Thắng – người sáng lập và điều hành Chương trình “Rebike for kids” - hồi sinh xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo có phương tiện đi học (1) – vừa tâm sự trên trang facebook của ông, đại ý: Sau khi nhận ra nhiều đứa trẻ không có phương tiện đến trường, ông Thắng nảy ra ý xin xe đạp cũ, sửa lại và đem chúng tặng cho trẻ con ở mọi miền đất nước. Ý tưởng của ông được nhiều người ủng hộ và trong nhiều năm vừa qua, họ đã trao gửi hàng ngàn chiếc xe đạp.
Song... Điều lạ lùng là, cũng suốt từng ấy năm, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp khó khăn, khó khăn không phải chỉ bởi công việc vất vả gian nan, mà oái oăm thay: Do bị ngăn trở từ phía chính quyền, lúc nhiều – lúc ít.
Riêng lần này, theo thông tin phản hồi từ phía các công tác viên và nơi tiếp nhận, tại Nghệ An, cách hành xử rất thô bạo. Sau khi tất cả công đoạn đã hoàn tất, từ phục chế xe, nhận danh sách tiếp nhận từ các trường thì đến sát ngày giao xe, phía nhà trường lại thông báo là không nhận xe nữa, vì theo lời họ, công an Nghệ An đến ‘làm việc’! Một tình nguyện viên ở Vinh còn bị mời lên đồn.
Nhiều lần trước đây, tặng xe xong thì thường có một số người bên chính quyền tới ‘làm việc’, họ yêu cầu là không được có gì ngoài xe đạp, không phát biểu, không tuyên truyền… Tất nhiên là không rồi, vì chúng tôi chỉ phục chế xe đạp để tặng cho học sinh, đó là tất cả công việc. Chúng tôi đâu có rảnh để mà đi làm những việc vô ích ấy!
Nhưng, nếu đúng như những phản hồi mà chúng tôi nhận được thì lần này phía công an Nghệ An đã can thiệp trắng trợn, họ làm việc với những người tiếp nhận, người tổ chức tặng xe và với các phụ huynh học sinh. Họ gọi lên đồn điều tra, đe doạ giáo viên, gọi điện cho người thân từ ông bà, bố mẹ, chồng con và cả đồng nghiệp, có trường hợp còn gọi về hàng xóm, láng giềng ở quê những người tiếp nhận và có liên quan.
Thậm chí tại một điểm tiếp nhận xe đạp, cô hiệu phó một trường miền núi Nghệ An, sau khi gửi thông tin để tiếp nhận xe tặng cho học sinh trường thì đã bị đe doạ không sót thành viên nào trong nhà để cấm cô nhận xe về, phụ huynh học sinh cũng bị gửi thông báo cấm nhận xe.
Cũng xin nói thêm, trong đợt này, ngoài Nghệ An, chúng tôi còn tặng xe cho học sinh Quảng Bình. Tại Quảng Bình mọi việc diễn ra tốt đẹp nhưng Nghệ An thì ngăn cản. Phải chăng đây là những hành động mang tính cá nhân hoặc thiên kiến địa phương xuất phát từ một động cơ thiếu lành mạnh nào đó?
Những điều này gây ra những sự mệt mỏi, hoang mang. Mục đích của họ là gì? Phải chăng là để khiến những người hỗ trợ tôi phải nản chí và từ bỏ ý định giúp những đứa trẻ có xe đi học?Tôi còn nghe nói đến một cái công văn nào đó đã về đến các địa phương ‘cấm nhận xe đạp tái chế khi chưa được phép’ – lời thuật lại từ một thầy hiệu trưởng nói qua điện thoại cho một người hỗ trợ xin xe cho chương trình tái chế xe đạp.
Không ít lần tôi đã liên hệ với những người/cơ quan có liên quan để công việc tái chế xe không bị cản trở nữa thì họ nói: ‘Việc chú chú cứ làm, đừng làm gì vi phạm pháp luật là được’. Vậy thì tôi đã làm gì sai về việc tái chế và tặng xe này để phía chính quyền không làm việc trực tiếp với mình, mà lén lút dọa nạt những người tiếp nhận xe?
Tôi đang không biết phải làm việc với ai, làm việc như thế nào để tình trạng này phải được chấm dứt. Tôi cũng chỉ là một cá nhân đứng ra triển khai sáng kiến xin gom xe cũ tái chế, tặng lại người cần. Bao lâu nay tôi đã gặp rất nhiều trở ngại nhưng chưa lần nào tôi có mảy may suy nghĩ là nên dừng công việc này lại.
Nếu các cơ quan chính quyền thấy đây là một việc sai trái thì hãy cho tôi lý do, và ra quyết định đình chỉ hoạt động của chúng tôi, tôi sẽ ngừng lại ngay lập tức. Còn nếu không, những sự ngăn trở này chỉ chứng tỏ động cơ hẹp hòi và lối hành xử coi thường pháp luật; đồng thời lấy đi cơ hội của những học sinh nghèo khó, phá hủy những nỗ lực nhân ái vốn đang rất cần trong xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ, không một chính quyền nào lại làm những việc vô lý và bất nhẫn đến như vậy, và tôi hy vọng đây chỉ là hành xử của những cá nhân, hay chính quyền sở tại với động cơ riêng khó hiểu của họ.
Trước khi kết thúc tâm sự về những điều ông Thắng và những người đồng hành với ông phải đối mặt khiến nhiều người ngỡ ngàng, ông Thắng nhấn mạnh: Chúng tôi đang chờ một câu trả lời từ phía chính quyền và công an Nghệ An (2).
***
Bảy tuần sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại một chung cư mini tọa lạc trên dịa phận phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, khoản tiền 130 tỉ do dân chúng đóng góp để trợ giúp các nạn nhân và gia đình của họ vẫn còn nằm trong két của chính quyền.
Vụ cháy khiến 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương, không chỉ mất thân nhân hoặc phải chăm sóc thân nhân bị thương, vài chục gia đình cư trú tại chung cư bị hỏa hoạn còn mất chỗ ở, tài sản,... nhưng tiền cứu trợ vẫn chưa được trao cho họ
Khi bị chất vấn, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam của thành phố Hà Nội giải thích chuyện chưa trao tiền cứu trợ cho các nạn nhân và thân nhân của họ là vì “đang chờ xin ý kiến các ngành để thống nhất phương án”. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam của phường Khương Đình – cấp thấp nhất – thì dẫn Nghị định 93 mà chính phủ Việt Nam ban hành năm 2021 (qui định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo) để chứng minh... “chưa quá hạn” trao tiền cứu trợ theo... qui định (3)!
Nhân vật vừa đề cập khoe rằng... qui định cho phép lên “phương án hỗ trợ” trong 20 ngày, dù còn mười ngày nữa mới đến hạn nhưng quận Thanh Xuân đã hoàn tất “phương án hỗ trợ” và trình các ngành của thành phố phê duyệt.
Tuy Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của phường Khương Đình khẳng định “mọi thứ đúng... qui định” nhưng nếu đem cái “đúng” đó đặt vào hoàn cảnh ngặt nghèo của các nạn nhân thì cái “đúng” đó có còn đúng?
Còn một chi tiết khác lẽ ra cần được làm rõ nhưng không thấy hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam quan tâm. Số tiền mà thiên hạ đóng góp để hỗ trợ các nạn nhân vụ hỏa hoạn đang đề cập là 130 tỉ hay hơn 110 tỉ? Khoản chênh lệch gần 20 tỉ đó nằm ở đâu? Bởi các cơ quan truyền thông chính thức chỉ ghi nhận chứ không thắc mắc về khoản chênh lệch này nên thiên hạ có cảm giác, dường như khoản chênh lệch gần 20 tỉ đó đã được chính quyền cấn trừ vào khoản mà họ từng chi “hỗ trợ khẩn cấp” (4)?
Lẽ nào hỗ trợ nạn nhân, nạn dân chỉ là nghĩa vụ của các công dân khi lương tâm họ thôi thúc còn hệ thống công quyền không có nghĩa vụ nào cả? Sự liên đới đến hỗ trợ nếu có chỉ nằm ở chỗ... lập và duyệt... “phương án hỗ trợ” bằng tiền bá tánh?
Chú thích