Hôm nay – thứ năm 16/11/2023 – là “quiet day” (ngày thinh lặng) ở Nam Hàn. Rất ít cửa hiệu, cửa hàng, chi nhánh ngân hàng mở cửa. Nếu không tạm ngừng hoạt động thì các nhà máy cũng đổi giờ làm việc từ sáng sớm sang buổi chiều, thị trường chứng khoán cũng vậy. Trong “quiet day”, đường xá vắng lặng, kể cả tại Seoul – một trong những nơi được xem là nhộn nhịp nhất thế giới - vì các loại phương tiện giao thông cả tư nhân lẫn công cộng đều tự hạn chế hoạt động để tránh gây tiếng ồn. Ngay cả các phi trường cũng thế, tất cả các loại phi cơ đều bị buộc dời giờ cất và hạ cánh. Trưa nay, những phi cơ từ nơi khác đến đâu đó ở Nam Hàn vào lúc 13 giờ sẽ không được đáp mà phải duy trì cao độ so với mặt đất từ 3.000 mét trở lên và lượn quanh phi trường cho đến 14 giờ...
Nam Hàn luôn có “quiet day” vào giữa tháng 11. Đó là ngày mà các học sinh lớp 12 tham dự “Suneung” hay “College Scholastic Ability Test” (CSAT) - kỳ thi trắc nghiệm học lực cho bậc đại học. Trong tám tiếng của CSAT, thí sinh lần lượt làm các bài thi của nhiều môn học: Hàn ngữ, Anh ngữ, Toán,... Các đại học ở Nam Hàn sẽ dựa vào điểm CSAT để lựa chọn sinh viên. Khoảng 70% học sinh Nam Hàn sẽ được chọn vào đại học nhờ điểm CSAT mà các em đã đạt nhưng chỉ có 2 % trong số này được các đại học hàng đầu ở Nam Hàn tuyển chọn vì dẫn đầu về điểm CSAT. Tốt nghiệp, đặc biệt là tốt nghiệp các đại học hàng đầu quyết định tương lai sáng sủa đến mức nào.
Đó là lý do phụ huynh Nam Hàn dốc tiền bạc, thời gian, sức lực đầu tư vào học vấn ngay từ khi con cháu chập chững đến trường. Tại Nam Hàn, học lực vừa là một loại thước đo giá trị, vừa là yếu tố bảo đảm sự thành đạt về thu nhập, về vị trí xã hội trong tương lai. Khi học lực được đề cao đến mức đó thì công sức, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ chẳng nhỏ chút nào, áp lực phải thành đạt trên con đường học vấn cũng thế. Nhiều chuyên gia về tâm lý học, xã hội học tin rằng yếu tố này chính là một trong những lý do khiến sinh suất ở Nam Hàn thấp nhất thế giới, tỉ lệ thiếu niên trong nhóm từ 10 tuổi đến 15 tuổi bị trầm cảm thuộc loại cao nhất thế giới và tự tử trong độ tuổi từ 10 đến 30 luôn là nguyên nhân hàng đầu khiến thanh thiếu niên Nam Hàn mất mạng.
Đó cũng là lý do ngày thi CSAT trở thành “quiet day” - ngày mà từ hệ thống công quyền đến dân chúng cùng nhau hạn chế tối đa tiếng ồn khiến những đứa trẻ tham dự CSAT bị phân tâm, ảnh hưởng bất lợi đến kết quả CSAT của chúng. Hôm nay, có hàng trăm ngàn gia đình tại Nam Hàn đứng ngồi không yên. Hôm nay cửa vào chùa, vào nhà thờ... ở Nam Hàn mở từ sáng sớm và đầy ắp người đến cầu nguyện cho con, cháu của họ may mắn. Trên facebook, nhóm thực hiện trang Korea News – chuyên dịch thông tin từ báo chí Nam Hàn sang tiếng Việt, phục vụ người Việt tại Hàn – cho biết, có tất cả 214 đứa trẻ vì lý do gì đó không kịp đến điểm thi và đã gọi cho cảnh sát, yêu cầu đến đón và mở đường đưa chúng đến trường vì chúng có quyền như thế (1).
***
Sở dĩ kẻ viết bài này biết Nam Hàn có “quiet day” vì năm 2021 có một người bạn là quân nhân Mỹ đang trú đóng tại Nam Hàn kể về “Suneung”. Sở dĩ người bạn ấy biết về “Suneung” vì cứ đến “Suneung”, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Hàn (United States Forces Korea – USFK) lại gửi thông báo nhắc nhở tất cả các đơn vị của quân đội Mỹ đang trú đóng tại Nam Hàn phải ngưng toàn bộ hoạt động thường nhật để không phá hỏng “quiet day”. Hai năm trước, kẻ viết bài này đã từng đề cập đến “quiet day” (2). Năm nay, nhờ thấy thông báo về “quiet day” trên trang facebook của USFK nên viết thêm bởi “quiet day” ở Nam Hàn buộc phải liên tưởng đến những vấn đề liên quan tới giáo dục ở xứ sở của mình...
Chẳng hạn chuyện ông Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia ở Hà Nội, kiêm Đại biểu Quốc hội – kể rằng, các đại học rất... “phấn khởi” nếu có thể thu xếp để trả cho những tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học cơ bản từ nước ngoài về khoản tiền từ... 15 triệu đến 20 triệu/tháng (4) – cho dù mức thu nhập này chỉ tương đương, thậm chí chỉ bằng một nửa thu nhập của những người giúp việc nhà loại cao cấp (5)! Vì sao lại thế? Vì sao ở Việt Nam, phụ huynh cũng nỗ lực không ngưng nghỉ để con cái có thể đi xa hơn, vững vàng hơn trên con đường mở mang học vấn, cha mẹ càng nghèo, con đường mở mang học vấn của con cái càng đẫm mồ hôi, nước mắt nhưng sau khi đã đến đích thì chẳng nhận lại được gì, khác xa những quốc gia như Nam Hàn?
Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sức lực, tiền bạc đã trở thành vô dụng khi hàng trăm ngàn cá nhân có học vấn cao thất nghiệp? Vì sao từ khi Việt Nam tiến hành xây dựng CNXH, nỗ lực học hành, vươn lên bằng học vấn lại không còn là lối để lập thân, để thay đổi số phận? Vì sao chẳng phải chỉ có hàng trăm ngàn cá nhân đã và đang thất nghiệp bế tắc mà còn có thêm nhiều trăm ngàn phụ huynh tuyệt vọng bởi đã vắt kiệt mồ hôi, sức lực, cố gắng hết mức nhưng vẫn không thể thấy gì khác hơn sự vô vọng về tương lai con cái? Vì sao càng ngày càng nhiều cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái với chuyên môn, với mơ ước và lối thoát khả thi nhất là không vào đại học, đào thoát khỏi tiến trình giáo dục, tìm đường đi làm thuê ở ngoại quốc (6)?
Nam Hàn thực hiện “Suneung” đã 23 năm, dân chúng Nam Hàn đã xem “quiet day” như phần không thể thiếu trong sinh hoạt xã hội. Chuyện trẻ con có “quyền” gọi cho trung tâm ứng cứu khẩn cấp, đề nghị cảnh sát giúp chúng đến nơi khảo thí đúng giờ được xem như tất nhiên. Những hình ảnh mà Korea News đưa lên trang Facebook của nhóm này cho thấy, trong vài năm gần đây, Việt Nam cũng làm như thế và gọi đó là “tiếp sức mùa thi”. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam gọi “tiếp sức mùa thi” là... “truyền cảm hứng” hỗ trợ, phát triển giáo dục. Song khác với Nam Hàn, sau khi “truyền” loại “cảm hứng” dường như copy từ Nam Hàn xong thì là gì? Ai thật sự cần loại “cảm hứng” vô hậu ấy?
Chú thích
(2) /a/nam-han-ngay-thinh-lang-quiet-day/6318234.html
(4) https://vnexpress.net/dai-hoc-gap-kho-vi-chi-tra-luong-tien-si-duoc-15-trieu-4668378.html
(6) https://vietnamnet.vn/bo-dai-hoc-di-xuat-khau-lao-dong-su-lua-chon-tat-yeu-hay-don-dau-2156994.html