Worawan Sae-aung, năm nay 68 tuổi, là một người bán hàng rong trái cây ở Thái Lan. Vào ngày 13 tháng Ba vừa qua, Luật sư Thái vì Nhân Quyền cho biết Tòa án Quận Dusit kết luận Worawan phạm cả hai tội danh, và đã phạt bà 30.000 baht vì vi phạm Nghị định Khẩn cấp và 4000 baht vì khỏa thân nơi công cộng (theo điều luật 388 của Bộ luật Hình sự). Vụ phạt này liên quan đến cuộc biểu tình vào ngày 28 tháng 9 năm 2021 yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ nhiệm. Trong cuộc biểu tình này, bà Worawan đã cởi hết, nằm xuống đất, và dang hai chân trước hàng cảnh sát kiểm soát đám đông để phản đối việc họ sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình. Hành động của Worawan đã gây nhiều tranh cãi tại Thái.
Suốt năm 2021 Worawan đã tham gia biểu tình thường xuyên để ủng hộ phong trào đấu tranh. Khi phần lớn những người đứng đầu phong trào dân chủ bị bắt, bà vẫn kiên trì tham gia hầu như mọi cuộc biểu tình. Tuy có phần thô lổ trong cách ăn nói, Worawan được giới hoạt động trẻ và những người quan sát biểu tình xem là người tử tế và gan dạ, và họ gọi bà một cách thân mật là “Bà cô Pao” (Auntie Pao). Trong quá trình xử án, Worawan xác nhận bà không phải là người trong ban tổ chức mà chỉ là một người bán hàng và người tham gia biểu tình ôn hòa. Worawan xác nhận việc khỏa thân chỉ là một hành động phản kháng mang tính tượng trưng nhằm ngăn cảnh sát có nhiệm vụ kiểm soát đám đông bắt giữ những người biểu tình, và do đó không có gì đáng xấu hổ.
Prachatai, một cơ quan truyền thông độc lập tại Thái, từng gặp khó khăn với chính quyền quân phiệt Thái, đã thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt với bà Worawan. Bài phỏng vấn đặc biệt này đăng trên 16 tháng Giêng năm 2022, cách đây hơn một năm. Worawan được mệnh danh là người tiêu biểu của năm 2021.
Worawan xác định bà là một người dân chủ và thuộc thế hệ mới. Với Worawan, thuộc thế hệ mới không phải là về tuổi tác mà là vì tư duy cấp tiến. Worawan cho biết đã từng tham gia các phong trào dân chủ trước đây, kể từ năm 1992, cho đến Áo Đỏ từ 2008 đến 2010, rồi 2020 đến 2021. Với Worawan, tham gia biểu tình không chỉ vì dân chủ mà còn do sự xuống cấp của kinh tế và chất lượng đời sống kể từ cuộc đảo chánh năm 2014.
Là người buôn bán bươn chải trong nhiều thập niên qua dưới nhiều chế độ cầm quyền, Worawan nghĩ rằng chính quyền không chăm lo cho người nghèo, và xã hội quá nhiều bất công. Worawan nhận định rằng việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình, truy tố pháp lý và bỏ tù những người lãnh đạo biểu tình là nhằm gây ra sợ hãi cho những người biểu tình, nhưng những người trẻ không sợ hãi, mặc dù cha mẹ của họ thì sợ. Worawan hiểu điều này, nên bà nói:
“Cha mẹ nào cũng thương con và lo lắng cho con. Họ sẽ nói với con mình, đừng làm vậy nếu không con sẽ bị bắt. Người Thái là vậy, nhưng họ không nghĩ dân chủ là gì. Đó là quyền của chúng ta. Nó sẽ không kết thúc ngày hôm nay. Nó sẽ không kết thúc trong năm nay. Nó sẽ không kết thúc chỉ với thế hệ của chúng ta. Cho nên nó phải là chúng ta. Chúng ta phải làm cho mọi thứ tốt hơn, phải không? Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho đến khi nó kết thúc.”
Những lần biểu tình trước đây vào năm 2021, người phụ nữ Worawan 67 tuổi đứng đầu đối diện với cảnh sát là hình ảnh thường gặp phải. Worawan rất thẳng thắn, trực ngôn và có khi thô sơ trong lời nói, nhưng đồng thời cũng là một người tử tế, luôn quan tâm cho giới trẻ. Bà là một trong những người bất lực nhất trong xã hội nhưng chọn thái độ đối đầu với quyền lực. Khi bị bắt với những nhà hoạt động nữ khác, như cuộc biểu tình ngày 29 tháng Ba năm 2021, Worawan đã cố gắng làm tăng bầu không khí trong phòng và hướng dẫn họ tham gia một buổi tập yoga, nói với họ rằng đây là cách bà giữ gìn sức khỏe. Như một người mẹ. Worawan trở nên nổi tiếng sau một đoạn phim quay cảnh bà tát vào háng một sĩ quan cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 16 tháng Một năm 2021 tại Tượng đài Chiến thắng, và nó được lan truyền rộng rãi.
Trong cuộc biểu tình vào ngày 28 tháng 9 năm 2021, Worawan lo ngại cảnh sát sẽ bắt giữ nhiều người, nên bà đã quyết định khỏa thân để cố gây phân tâm cảnh sát khỏi việc bắt giữ hoặc đánh đập người biểu tình. Worawan nói “chúng tôi đến biểu tình nhưng họ không nhượng bộ gì mà chỉ cho chúng tôi hơi cay và đạn cao su và vòi rồng, như thế có được không?”
Worawan, cũng như nhiều người biểu tình tại Thái trong những năm qua, đã nếm đủ hơi cay và những bạo lực khác từ chính quyền quân phiệt Thái.
Giới trẻ Thái nhìn thấy sự dấn thân và can trường của bà như một nguồn cảm hứng và khuyến khích từ thế hệ trước.
Trong khi đó, một số nhà khoa học chính trị đánh giá tầm quan trọng của Worawan. Chẳng hạn như giáo sư Kanokrat Lertchoosakul thuộc Chulalongkorn University nhận định rằng những người bình thường như Worawan có khả năng tạo ra những gợn sóng mạnh ở mức cao, được giới truyền thông để ý, và chính quyền lưu tâm. Một giáo sư chính trị học khác, Prajak Kongkirati thuộc Thammasat University, nhận định rằng những hành động như Worawan vạch trần sự bất công trong xã hội, và những hành động như vậy có thể không thay đổi suy nghĩ của chính quyền, nhưng sẽ thay đổi suy nghĩ của người khác khi họ thấy hành động của nhà nước là bất công như thế nào. Prajak kết luận: “Đây là điều quan trọng nhất. Nếu tất cả xã hội có thể thay đổi suy nghĩ của họ, đó sẽ là một chiến thắng lâu dài.”
Điều may mắn là phong trào dân chủ tại Thái Lan rất năng động và đa dạng. Bà cô Pao, hay Worawan, chỉ là một khuôn mặt tiêu biểu. Thanh niên, sinh viên, học sinh cũng như giới trí thức, học giả, văn nghệ sĩ, truyền thông v.v… tại Thái Lan cảm thấy bất bình vì giới bảo thủ bảo hoàng cứ tìm cách nắm quyền cai trị, bằng đảo chánh hay toa rập với toà án, bất chấp nguyện vọng của đa số người dân. Họ hiểu rằng muốn thay đổi vì phải do mỗi người ý thức góp phần, và phải hành động bây giờ, để một ngày nào đó, 5 hay 10 năm nữa, tự do dân chủ thật sự sẽ đến.
Ngày 14 tháng Năm năm nay được xem là bầu cử toàn quốc mang tầm quan trọng nhất của Thái Lan trong hai thập niên qua. Theo Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị học tại Viện An ninh và Quốc tế Học, và là bình luận gia của Bangkok Post, biện luận rằng kỳ bầu cử này là sự tiếp nối cuộc tranh đấu kéo dài hai thập niên mang tính quyết định tương lai của Thái Lan. Những cuộc bầu cử trước đây, như năm tháng Giêng 2001, tháng Hai 2005, tháng Mười Hai 2007, tháng Bảy 2011, và tháng Ba 2019, đều do đảng Pheu Thai, hay tiền thân của nó Thai Rak Thai và Palang Prachachon (Thaksin Shinawatra là người sáng lập và lãnh đạo đảng này), phần lớn thắng mang tính áp đảo, nhưng rốt cuộc nó bị đảo ngược bằng những cuộc đảo chánh bởi quân đội hay quyết định của tư pháp. Cuộc bầu cử năm 2019 đã đảo ngược xu hướng để hướng tới nền cai trị bảo thủ bảo hoàng. Năm 2023 này mang tính quyết định: một là duy trì một nhà nước hành chánh có tính bảo thủ bảo hoàng lâu dài; hai là thích nghi với một chính phủ khác về chất lượng để đưa đất nước tiến lên một lần nữa.
Hành động dấn thân và can trường đấu tranh của phong trào dân chủ từ tháng 8 năm 2020 trở đi thật sự quan trọng. Nó chắc chắn góp phần tích cực vào kết quả bầu cử vào tháng Năm này. Gần hai ngàn người bị truy tố bởi mọi điều luật và biện pháp có thể, nhưng họ hiểu đó là cái giá phải trả cho dân chủ tại Thái Lan. Worawan là bình thường nhưng cũng phi thường. Không có những người dấn thân đấu tranh và hoạt động này, đảng dân tuý Pheu Thai mà Thaksin đứng đàng sau, hay các đảng chính trị khác, thuộc cầm quyền hay đối lập, sẽ không có tác động đáng kể nào lên thay đổi. Không có xu hướng vận động thay đổi thì các đảng chính trị sẽ không cảm nhận nhiều động lực hay áp lực để điều hướng chính sách và hành động cho tương lai đất nước mà trong đó quyền lợi của toàn dân và quyền lực của quốc gia phải là ưu tiên và trên hết.