Vào lúc hoàng hôn buông xuống hải cảng Calais, người nước ngoài ùa vào một khoảng đất đầy bụi, biến nó thành một nhà bếp tạm bợ để nấu súp. Tình nguyện viên phát những đĩa mì pasta, bánh mì và trái cây tươi cho những nhóm đàn ông và một vài người phụ nữ.
Nhiều người đã lặn lội vượt qua những hành trình xa xôi và đôi khi nguy hiểm từ quê hương của họ ở châu Phi và Trung Đông để đến được thành phố này ở miền bắc nước Pháp. Nhưng Calais không phải là điểm đến cuối cùng của họ mà là ngay bên kia eo biển Manche.
"Tôi cầu nguyện Chúa Trời để tôi được ở Anh. Tôi đã nỗ lực quá nhiều để được vào Anh,” Mohammed, một giáo viên tiếng Anh 35 tuổi từ Syria, nói. “Nước Anh tốt hơn cho tôi, cho cuộc đời tôi, bởi vì quen tiếng."
Calais từ lâu đã thu hút người nhập cư chạy thoát nghèo túng hoặc xung đột, hầu hết trong số họ hy vọng sẽ vượt qua eo biển 20 dặm đến Anh, nơi họ tin rằng mình được đối đãi tốt hơn và nhiều cơ hội hơn đang chờ đón. Nhưng London đang trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là đối với hàng trăm người di cư, những chọn lựa để rời khỏi Calais đang khép lại.
Cái chết của hàng trăm người di cư ở Địa Trung Hải trong tuần này một lần nữa làm nổi bật những hiểm nguy của việc tìm đến châu Âu. Những người may mắn đến được một nơi như Calais - nơi các trại tạm cư không mấy sạch sẽ, điện không có, và thức ăn khan hiếm -nhận thấy rằng những gian truân của họ chưa dứt.
Đối với khoảng 1.500 người nước ngoài bị mắc kẹt ở Pháp nhưng mơ ước đến Anh, điều này có nghĩa là phải sử dụng tới những trò trơ tráo và đôi khi bạo lực. Bất cứ điều gì để leo lên được một chiếc tàu hay một chiếc xe tải đi về hướng bắc.
Trong những tuần gần đây, các trại di dân đã trở thành điểm nóng trấn áp của cảnh sát. Theo truyền thông Anh, chính quyền Pháp đã dùng hơi cay và dùi cui để ngăn người nhập cư nổi loạn leo lên những chiếc xe tải hướng về Anh.
Những vụ đối đầu không có gì là mới. Cảnh sát chống bạo động bắt đầu đuổi hàng trăm người nhập cư khỏi các trại tạm cư vào cuối tháng 5 sau khi giới chức địa phương cho biết một đợt bùng phát bệnh ghẻ khiến các trại này trở thành mối nguy cho sức khỏe cộng đồng. Những vụ đuổi ngưởi được thực hiện chỉ vài ngày sau khi các đảng chống nhập cư về đầu trong các cuộc bầu cử châu Âu ở cả Pháp và Anh.
Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia giành chiến thắng ở Pháp, đã nêu lên vấn đề này trong chiến dịch tranh cử, kêu gọi Pháp rời bỏ khu vực miễn hộ chiếu của châu Âu được gọi là vùng Schengen.
Giờ đây, cuộc giằng co về chính sách nhập cư của Pháp đang leo thang.
"Cả châu Âu... và chủ yếu là những người bạn Anh của chúng tôi, đổ lỗi cho thành phố Calais," Phó thị trưởng Philippe Mignonet nói. "Thị trưởng thành phố Calais cố gắng để xây dựng lại thành phố, đưa nhà đầu tư mới đến, đưa các công ty mới, các ngành công nghiệp mới. Tất cả những nỗ lực của bà ấy bị hủy hoại bởi những gì đang diễn ra."
Các công ty vận tải đường bộ đang rào những bãi đậu xe của họ bằng dây thép gai, và cảnh sát địa phương đang đẩy mạnh giám sát khi những người di cư và những người vận động chống người nhập cư tổ chức biểu tình phản đối lẫn nhau.
Thị trưởng Natacha Bouchart đã dọa sẽ đóng cửa cảng Calais để phản đối điều mà bà nhìn nhận là sự thiếu hỗ trợ của Anh. Ông Mignonet nói rằng lời đề nghị của London gửi hàng rào cho Pháp trong cuộc họp NATO tháng này là lời nói đùa vô vị.
"Anh nói rằng đó là vấn đề của Pháp, và một số người Pháp nói rằng đó là vấn đề của Anh. Còn tôi thì nói rộng ra hơn nữa. Đó là vấn đề của châu Âu, ít nhất là vậy. Và tôi muốn nói rằng đây là vấn đề của toàn thế giới," ông Mignonet nói. "Chúng tôi biết chúng tôi có thể dựng rào xây tường khắp nơi trên khắp cả nước, khắp châu Âu, khắp nước Mỹ. Những thứ đó không ngăn người ta tìm tới. Họ vẫn sẽ rời đất nước của họ."
Mohammed rời Syria một tháng trước, vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ trước khi sang Italia. Anh trả 1,600 USD cho những người trung gian để tới khu trại lều bạt bẩn thỉu bên bờ biển này.
"Vì tôi chạy trốn bạo lực, khủng bố, chiến tranh," anh nói. "Bạn không tưởng tượng được đâu. Tôi không thể tiếp tục thế này... Tôi còn vợ và một đứa con, và tôi cầu nguyện mỗi ngày để họ vô sự cho đến khi họ đến được với tôi."
Trong khi nhà chức trách Pháp đang khuyến khích người di cư xin tị nạn ở Pháp, Phó thị trưởng Mignonet nói không mấy ai hứng thú.
"Cuối cùng thì những người di cư chỉ muốn đến Anh. Họ biết rằng một khi họ tới đó rồi thì họ sẽ có thể xin nhà ở. Họ sẽ có thể có được chút tiền từ chính phủ Anh, ngay cả khi chỉ vài đồng ít ỏi," ông nói. "Nhưng những thứ đó vẫn tốt hơn nhiều so với tình cảnh ở nước của họ."
Anuar, 18 tuổi đến từ Darfur, cho biết anh vượt qua Địa Trung Hải trên một con thuyền ọp ẹp từ Libya.
"London, không vấn đề. Ăn và ngủ. Không vấn đề. Calais? Có vấn đề," anh nói. "Không ăn, không ngủ. Không có trường học."
Cuộc tranh luận là một phần trong một chu kỳ tiếp diễn, theo lời ông Christian Salomé, người điều hành một tổ chức từ thiện gọi là Auberge des Immigrants. Hơn một thập niên trước, chính quyền Pháp đóng cửa một trung tâm tỵ nạn quá tải gọi là Sangatte, hy vọng sẽ làm chậm dòng người di cư.
"Và bây giờ là người tỵ nạn vất vưởng trên đường phố," ông nói. "Họ không có gì và rất nhiều trong số họ chẳng có một xu để ăn uống, vì vậy chúng tôi cung cấp thức ăn cho họ."
Nhưng không ai cho họ tương lai, và giờ họ kẹt lại ở Calais.