Chính quyền Trump hôm 11/1 tuyên bố đưa Cuba vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, một động thái mà theo Reuters có thể gây phức tạp bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Biden sắp tới nhằm khôi phục lại việc hạ giảm căng thẳng trong quan hệ với Havana từ thời Obama.
Chỉ 9 ngày trước khi Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump rời nhiệm sở, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Cuba bị liệt vào danh sách trên vì “liên tục hỗ trợ các hành động khủng bố quốc tế” bằng cách chứa chấp những kẻ đào tẩu Mỹ và các thủ lĩnh phiến quân Colombia.
Ông Pompeo cũng viện dẫn sự hỗ trợ an ninh chính quyền Cộng sản Cuba đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, mà theo lời ông là đã giúp cho nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa này duy trì quyền lực và tạo ra “một môi trường thuận lợi cho những kẻ khủng bố quốc tế sinh sống và phát triển ở Venezuela”.
“Với hành động này, một lần nữa chúng tôi yêu cầu chính phủ Cuba phải chịu trách nhiệm, và gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chế độ Castro phải chấm dứt hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế và phá hoại công lý của Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
Theo hãng thông tấn Anh, việc đưa Cuba trở lại danh sách ‘tài trợ khủng bố’ của chính quyền Trump làm đảo ngược nỗ lực hạ giảm căng thẳng trong quan hệ mà cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama đã đứng ra dàn xếp giữa hai cựu thù trong Chiến tranh Lạnh. Quyết định của ông Obama chính thức rút Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố vào năm 2015 là một bước quan trọng để khôi phục quan hệ ngoại giao vào thời điểm đó.
Quyết định mới sẽ đòi hỏi phải có các cuộc thảo luận pháp lý kéo dài hơn nữa để Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden có thể đảo ngược chỉ định này.
Tổng thống Trump đã kiềm chế Cuba kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, thắt chặt các hạn chế đối với kiều hối và việc đi lại giữa hai nước, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chuyến hàng dầu mỏ của Venezuela tới hòn đảo này.
Chính sách của ông Trump rất nổi tiếng trong cộng đồng lớn người Mỹ gốc Cuba ở Nam Florida, giúp ông giành chiến thắng tại bang này vào tháng 11 mặc dù ông thất cử trước ông Biden, phó tổng thống của ông Obama.
Ông Biden cho biết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ nhanh chóng đảo ngược các chính sách của ông Trump đối với Cuba vì các chính sách này “đã gây tổn hại cho người dân Cuba và không làm được gì để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”.
Nhưng động thái của ông Trump có thể khiến cho ông Biden khó khôi phục mối quan hệ hơn sau khi ông nhậm chức.
Syria, Iran và Triều Tiên là những quốc gia khác nằm trong danh sách.
“Chúng tôi lên án việc Hoa Kỳ giả nhân giả nghĩa và chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói trên Twitter. “Những người thực sự quan tâm đến tai họa của chủ nghĩa khủng bố và các nạn nhân của nó thấy rõ chủ nghĩa cơ hội chính trị của Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, một người ủng hộ cho quan điểm nối lại quan hệ ngoại giao của ông Obama, đã lên án ông Pompeo vì “chỉ định có tính chính trị trắng trợn”, và nói rằng “chủ nghĩa khủng bố nội địa ở Hoa Kỳ thậm chí đang đề ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho người Mỹ”.
Việc tái chỉ định Cuba vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố sẽ kèm theo lệnh cấm viện trợ kinh tế, cấm xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ, kiểm soát các mặt hàng “lưỡng dụng” đối với các ứng dụng quân sự và dân sự, và đòi hỏi Hoa Kỳ phải phản đối các khoản vay mà các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dành cho Cuba.
Trong thông báo hôm 11/1, Ngoại trưởng Pompeo cũnng nêu một trong những trường hợp đào tẩu nổi tiếng nhất của Mỹ tới Cuba là bà Joanne Chesimard, người đã bỏ trốn đến Cuba sau khi vượt ngục ở New Jersey vì bị kết tội giết một quân nhân của bang New Jersey vào năm 1973, bà này sau đó đổi tên thành Assata Shakur.
Ông Pompeo cũng lên án việc Cuba từ chối yêu cầu của Colombia về việc dẫn độ các thủ lĩnh của nhóm phiến quân ELN sau khi nhóm này tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại một học viện cảnh sát Bogota vào tháng 1/2019 khiến 22 người thiệt mạng.