“Tượng đài Cảnh sát nhân dân” được khánh thành tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022) do Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an tổ chức ở Hà Nội.
***
“Tượng đài CSND” giới thiệu hai nhóm nghề nghiệp được xem là tiêu biểu cho lực lượng cảnh sát: Cảnh sát Giao thông (CSGT) và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Cứu hộ cứu nạn (CS PCCC – CHCN), có chiều cao 8,5 mét, làm bằng đồng. Ngoài hai CSGT (một đang vung gậy chỉ huy giao thông, một đang nắm tay người khác thong thả bước tới), ba CS PCCC – CHCN ở những tư thế khác nhau (chạy, quỳ, đứng), tượng đài còn có một phụ nữ lớn tuổi, một đứa trẻ, một trụ đèn giao thông và biểu tượng đám cháy.
Không có bất kỳ thông tin nào về chi phí dựng tượng đài nhưng dựa trên các thông tin liên quan đến tượng đài ở Việt Nam (1) cũng như quy mô và chất liệu (đồng đắt hơn nhiều so với bê tông, đá) thì khoản tiền mà Bộ Công an rút từ công quỹ để đầu tư vào tượng đài sẽ nằm trong khoảng từ vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ. Trước nay, tiền chi cho công an nhân dân, tuy do nhân dân phải trả nhưng theo... “truyền thống”, nhân dân không có quyền biết là bao nhiêu, được dùng vào những việc gì, có đúng ý họ hay không.
“Tượng đài CSND” không chỉ khiến công chúng bất bình khi kinh tế - xã hội Việt Nam đang như đã biết mà chính phủ vẫn phung phí bạc tỉ để “Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND”. Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Heritage Space – bảo rằng, tượng đài vừa đề cập “không phải đối tượng để bàn về giá trị nghệ thuật” vì “có rất nhiều yếu kém về tạo hình, cách khái quát và chuyển hóa một hình tượng sang ngôn ngữ nghệ thuật” và trào lưu sử dụng sự hoành tráng để tuyên truyền “chỉ còn là bóng mờ của quá khứ”. Một điêu khắc gia yêu cầu ẩn danh nhấn mạnh với Tiền Phong, “Tượng đài CSND” không đáng để ông quan tâm và ông tin loại chuyện này: Đã đến mức độ không ai còn muốn bàn luận và nhìn nhận nữa. Đó là trách nhiệm của người quản lý văn hóa đô thị, trách nhiệm của chủ đầu tư (Bộ Công an), của Hội đồng nghệ thuật (HĐNT)... Còn Chủ tịch HĐNT thì phân bua về việc phải chiều theo chủ đầu tư (2)...
Còn dân chúng nghĩ gì? Họ thẳng thắn hơn, kể cả khi bày tỏ trên những trang facebook của các cơ quan truyền thông chính thức như VTC 14, ví dụ tại đó NamSon Tran mỉa mai: Chiều chiều các cụ ra thắp vài nén nhang nữa là hợp lý!
Cũng đã có một số người tỏ ra lạc quan như Phương Nguyễn. Sau khi ngắm và ngẫm về “Tượng đài CSND”, Phương cho rằng: Có lẽ cần phải có định hướng thẩm mỹ cho nhân dân thủ đô (và cả nước) về nghệ thuật tạo hình thế kỷ 21, có thế nhân dân mới hiểu được vẻ đẹp và ý nghĩa của tượng đài mới tinh này ở thủ đô.
Không ít người thích thú, chia sẻ phân tích của Phương Nguyễn về phong cách nghệ thuật của “Tượng đài CSND” (3): Đây là phong cách nặn tò he đương đại, kết hợp với tả thực xã hội chủ nghĩa”, đồng thời nhắc nhở: Các anh các chị lúc bé nghèo khó, nhìn cái ông nặn tò he ở Bờ Hồ hay công viên Lê Nin mà có tiền mua đâu, thèm rỏ rãi ra. Nay mỗi lần đi hội chợ hay lễ hội mà có tò he, toàn bắt con ra mua để thưởng thức. Giờ nhà nước làm hẳn cái tượng đài phong cách tò he để các anh chị ngắm, mà các anh chị lại chê, thế là sao.
Còn về tư tưởng, theo hình dung của Phương: Nhân vật thầm lặng mà nổi bật nhất là bà cụ già. Bà cụ già là biểu tượng cho Đảng quang vinh của chúng ta. Tay bà xách cái làn đi chợ, tượng trưng cho kinh tế thị trường. Ý nghĩa ở đây là Đảng không phủ nhận kinh tế thị trường, Đảng đi cùng nó, nhưng chỉ cầm bằng tay trái. Bà cụ Đảng cổ quấn khăn rằn. Nhiều anh chị phàn nàn là tượng ở Thủ đô mà lại khăn rằn. Các anh chị phải hiểu, khăn rằn ở đây gợi nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Miền Nam ở trong trái tim tôi. Bà cụ đang đi đâu? Tất nhiên là đang trên đường đi đến chủ nghĩa xã hội. Đi đâu thì cũng phải qua đường. Qua đường ở đây hàm ý là “quá độ” (Hán Việt có nghĩa là quá một quãng đường). Tại sao lại phải có chiến sĩ công an dẫn qua đường. Đó là vì công an là lực lượng thanh gươm lá chắn, “còn Đảng, còn mình”. Công an dẫn Đảng qua đường, chuẩn quá còn gì. Quá độ có lên CNXH hay không là nhờ các anh công an cả. Đằng sau bà cụ là anh công an chỉ đường. Bà cụ đi qua đường, thằng nào lề trái tấp ngay qua một bên ăn cái thẻ phạt. Định ngáng đường bà cụ là ăn ngay đèn đỏ. Đó là ý nghĩa của nhóm đèn đỏ cầm gậy chỉ đường.
Khác với nhiều người, Phương Nguyễn không xem cụm nhân vật phía bên phải tượng đài đơn thuần là vinh danh CS PCCC – CHCN: Các anh các chị nói là PCCC là nhầm hết cả. Cảnh sát chữa cháy thường sẽ xông vào lửa, đằng này lửa ở sau lưng. Ý nghĩa của lửa ở đây là đốt lò. Bà Đảng tuy không có lề trái ngáng đường, lại được chiến sĩ công an dắt tay, tha hồ đi lên CNXH nếu như không vướng củi. Nên có chiến sĩ công an rình rình thấy củi là nhặt quăng ngay vào lò. Còn một anh cầm sẵn vòi cứu hỏa, củi nào cháy to vỡ bình thì xịt luôn. Đó là ý nghĩa của cụm nhân vật bên phải tượng.
Tương tự, trong khi nhiều người chỉ trích đứa trẻ được một CS PCCC – CHCN ẵm trên tay mắc lỗi nghiêm trọng về tạo hình, Phương khen: Có lẽ đây là biểu tượng cao đẹp nhất toát ra từ bức tượng: Tính nhân văn của lò, dù củi vào lò thế nào thì thái tử củi ngây thơ vô tội tốt lành cũng sẽ được cứu ra. Phương Nguyễn nhấn mạnh: Bằng phong cách tò he đương đại, kết hợp chủ nghĩa ý niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa, khéo léo pha trộn các metaphor ý nhị đầy tính nhân văn và dân gian, cụm tượng đài mới góp phần nâng cao thẩm mỹ và nhận thức của nhân dân thủ đô về vai trò của các chiến sĩ công an trong việc dẫn đảng qua đường an toàn để đến chân trời xã hội chủ nghĩa tươi sáng.
***
Bất chấp dư luận như trên, ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính tuyên bố: Với sự khiêm tốn và tất cả niềm tự hào, chúng ta có thể khẳng định, lực lượng CSND Việt Nam thực sự xứng đáng là đội quân Anh hùng của nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng... và yêu cầu: ...Mọi hoạt động của lực lượng công an nhân dân nói chung, CSND nói riêng phải quán triệt sâu sắc, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của chính phủ, Thủ tướng, sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an...
Rõ ràng ông Chính đã chọn phía ngược lại với suy nghĩ và mong muốn của nhân dân.
Chú thích
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tuong-dai-tuong-nganh-mot-cau-chuyen-buon-802470.ldo
(2) https://tienphong.vn/tuong-dai-cong-an-sap-khanh-thanh-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-post1454008.tpo
(3) https://www.facebook.com/hoang.xuan.79/posts/pfbid0ms8eoBzteQFG4Dn3iqWHsmBZAyRjgjxhAcaGYTS4mrQLYQvo7ugq1QVh4PgL39nGl