Những ngày gần Tết Đinh Dậu, cuối tháng 1/2017, nhu cầu đi lại ở thành phố Hồ Chí Minh tăng cao.
Không chỉ những người từ xa đến như các Việt kiều, du khách nước ngoài, mà ngay cả nhiều người dân thành phố cũng cần di chuyển nhiều hơn để thăm gặp, mua sắm hay giải quyết những công việc cuối năm.
Góp phần đáp ứng cho nhu cầu này là hàng nghìn chiếc xe của dịch vụ đi chung xe, thường được biết đến với cái tên Uber. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, có khoảng 4.000 xe Uber ở thành phố.
Anh Nguyễn Tự Trọng, người đã đầu tư “tiền tỷ” – khoảng 50.000 đôla – để mua xe chạy cho Uber, chia sẻ với VOA rằng lượng khách tăng nhưng giá cả không thay đổi nhiều:
“Tăng lượng khách thì rất nhiều. Khách tăng lên gấp đôi. Tùy khu vực, tùy thời điểm, có đôi lúc khu vực của mình [cước] không tăng, cước còn rẻ hơn cả xe ôm nữa, xe ôm của Grab Bike, Uber Bike”.
Để hoạt động hiệu quả trong những ngày đường xá thường kẹt xe, anh Trọng, 35 tuổi, cho biết anh thường chạy trong trung tâm thành phố và tránh một địa điểm “nổi tiếng” về kẹt xe là sân bay Tân Sơn Nhất:
“Xe xuất phát từ Tân Bình rồi đi đường khác vô khu trung tâm. Mấy ngày cao điểm mình né sân bay ra. Nếu mà có đi sân bay mình chỉ có đi lúc khoảng đêm khuya và trời gần sáng”.
Các chuyến đi của anh có độ dài rất khác nhau, có chuyến chỉ chừng 1-2 km nhưng cũng có chuyến lên đến 20 km.
Theo lời anh, do ứng dụng đón khách hiện nay trên điện thoại không báo đích đến của khách nên anh không có sự lựa chọn. Anh nói một khi chấp nhận đón khách, khi khách lên xe rồi, cho dù họ đi rất ngắn anh cũng “phải chấp nhận”.
Bù lại, sự nhiệt tình của anh được đền đáp là xếp hạng của anh được khách “chấm điểm sao” ở mức cao.
Theo cách tính điểm của Uber, 5 sao là cao nhất. Các lái xe phải duy trì mức 4,6 sao trở lên mới được lái cho hãng. Anh Trọng vẫn giữ được mức này.
Trong công việc, anh cho hay gặp ít Việt kiều và các khách hàng của anh rất đa dạng, từ người Việt Nam cho đến người nước ngoài. Đưa ra so sánh về họ, anh nói:
“Hầu như khách Việt Nam mình bất lịch sự lắm. Họ không như khách tây đâu. Khách tây họ ra đứng trong tầm quan sát của tài xế dễ thấy nhất và những nơi đón khách dễ nhất. Khách Việt Nam là cứ hẻm, hẻm khó. Việt Nam mình nói chung em nghĩ là cái văn hóa đi xe nó không tốt. Khách Việt Nam mình rất tệ”.
Một ngày làm việc của anh Trọng thường dài 12 tiếng. Thành quả của công sức lao động, kể cả việc phải “chịu đựng” những vị khách bất lịch sự hoặc khó tính là khoản thu nhập từ 1-1,2 triệu mỗi ngày (khoảng 50 đôla). Đây là mức thu nhập vừa phải ở Tp.HCM – thành phố lớn nhất Việt Nam có chi phí sống khá đắt đỏ. Còn so với cả nước có thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 2.000 đôla, đó là mức khá cao.
Anh nói đây là công việc phù hợp với năng lực và tính tình của anh và sẽ tiếp tục gắn bó.
Không may mắn như anh Trọng, anh Trần Chinh Chiến, 37 tuổi, dường như sắp đón Tết không được vui vẻ, vì anh vừa bị hãng Uber đình chỉ sau hai tháng.
Anh Chiến nói nguyên nhân là anh bị xếp hạng sao thấp, có thể lỗi từ phía khách hàng:
“Họ căn cứ vào chấm sao của khách hàng. Giả sử có những người không biết chấm sao chẳng hạn. Không để ý thì họ chấm 1, 2 sao thì sau một thời gian thì sao không vượt mức 4,6. Tôi đang làm đơn tôi kiện lên đó”.
Hoạt động của các xe Uber đã mang lại sự cạnh tranh lớn cho các hãng taxi truyền thống. Một lãnh đạo hãng taxi lớn Vinasun mới đây nói với VOA hãng không tăng giá dịp Tết, trong khi hãng Mai Linh taxi có tăng giá chút ít.