Hôm thứ Ba 19/11, Ukraine ghi dấu mốc tròn 1.000 ngày kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Lúc này, quân đội Ukraine mệt mỏi vì chiến đấu trên nhiều mặt trận, Kyiv bị vây hãm bởi các cuộc tấn công thường xuyên bằng máy bay điều khiển từ xa và tên lửa, và các quan chức Ukraine chuẩn bị cho việc ông Donald Trump giành lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.
Trong một động thái tích cực dành cho đất nước đang bị bao vây, đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bật đèn xanh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Mỹ đánh vào các mục tiêu nằm sâu hơn bên trong nước Nga.
Nhưng sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách này có thể bị đảo ngược khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, và các chuyên gia quân sự cảnh báo rằng điều đó sẽ không đủ để thay đổi hướng đi của cuộc chiến kéo dài 33 tháng.
Hàng nghìn công dân Ukraine đã thiệt mạng, hơn 6 triệu người sống theo diện tị nạn ở nước ngoài và dân số đã giảm 1/4 kể từ khi nhà lãnh đạo Điện Kremlin Vladimir Putin ra lệnh xâm lược.
Phái bộ giám sát nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã xác minh rằng 11.743 thường dân Ukraine đã thiệt mạng, mặc dù một số quan chức Kyiv tin rằng con số này có thể cao hơn nhiều.
Tổn thất quân sự cũng rất thảm khốc. Theo ước tính của phương Tây dựa trên các báo cáo tình báo, hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng hoặc bị thương ở mỗi bên.
Về kinh tế, dù có hai năm tăng trưởng vừa phải liên tiếp, nền kinh tế Ukraine vẫn chỉ bằng 78% quy mô trước cuộc xâm lược, riêng năm 2022 GDP đã giảm 1/3. Các ngành công nghiệp thép và ngũ cốc từng có quy mô khổng lồ của Ukraine đã bị giáng một đòn mạnh.
Giờ đây, sự trở lại của ông Trump, người đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh - mà không nói rõ bằng cách nào - đặt ra câu hỏi về tương lai của viện trợ quân sự Mỹ và mặt trận thống nhất của phương Tây chống ông Putin, đồng thời làm nổi lên triển vọng đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuần trước đã tuyên bố rằng Ukraine phải cố hết sức mình để chấm dứt chiến tranh vào năm tới thông qua các biện pháp ngoại giao. Nhưng ông đã kiên quyết bác bỏ mọi cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn trước khi có được các đảm bảo an ninh thích hợp cho Ukraine.
Điện Kremlin lâu nay tuyên bố các mục tiêu chiến tranh của họ vẫn không thay đổi kể từ khi ông Putin tuyên bố vào tháng 6 rằng Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và phải rút lui khỏi 4 khu vực của Ukraine mà lực lượng của ông ta kiểm soát một phần, tất cả đều không khác nào một sự đầu hàng đối với Kyiv.
Có một rừng những lá cờ nhỏ của Ukraine tưởng nhớ những người đã khuất ở một góc Quảng trường Độc lập của Kyiv, nơi từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình ủng hộ châu Âu vào năm 2014 và lật đổ vị tổng thống Ukraine khi đó được Moscow hậu thuẫn.
Sau đó, Nga đã đáp trả các cuộc biểu tình bằng cách chiếm Crimea, bán đảo vùng Biển Đen của Ukraine, và ủng hộ một cuộc nổi loạn bán quân sự ở miền đông khiến 14.000 người thiệt mạng trước khi có hai đợt đàm phán, được gọi là khuôn khổ Minsk, dẫn đến chấm dứt giao tranh với Kyiv.
Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi điện cho ông Putin hôm 15/11, lần đầu tiên sau gần hai năm, ông Zelenskiy cho rằng động thái này đã làm giảm tình trạng bị cô lập của nhà lãnh đạo Nga. Ông cũng lên tiếng phản đối ý tưởng nối lại các cuộc đàm phán theo kiểu Minsk.
"Chúng tôi muốn cảnh báo mọi người: sẽ không có 'Minsk 3'; điều chúng tôi cần là hòa bình thực sự", ông nói.