Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) được tiếng là ít khi đưa ra những lời phát biểu thẳng thừng. Nhưng ông Ban Ki-moon thoát ra khỏi lệ thường đó khi nói về cuộc họp thượng đỉnh G-20 trong tuần này. Ông tuyên bố câu hỏi chính mà các nhà lãnh đạo phải đặt ra là “hội nghị đó có ý nghĩa ra sao đối với mọi người?”.
Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới chớ nên nghĩ “một cách hẹp hòi về phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Hôm nay tại Seoul, ông Ban tuyên bố các nhà lãnh đạo khối G-20 phải khắc phục những bất đồng sâu xa về giá trị tiền tệ và tình trạng bất quân bình kinh tế.
Ông Ban nói: “Tôi lo ngại rằng có một số bất đồng ý kiến trong khối G-20 về các vấn đề này, nhưng tôi tin rằng điều hết sức cần thiết vẫn là các nhà lãnh đạo G-20 phải thống nhất và phối hợp các chính sách của họ. Đây là thời điểm cần có sự đoàn kết.”
Trước đó trong ngày, ông Ban, người từng giữ chức ngoại trưởng Nam Triều Tiên, đã gặp tổng thống nước này là ông Lee Myung-bak. Ông Ban tỏ ý rất hy vọng rằng tài lãnh đạo của nước chủ trì hội nghị sẽ dẫn tới một kết quả thành công.
Cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày bắt đầu vào ngày mai.
Các giới chức G-20 mô tả cuộc tranh luận giữa các giới chức soạn thảo thông cáo của cuộc họp, dự trù công bố vào ngày thứ sáu, sẽ rất sôi nổi.
Hoa Kỳ phải đối mặt với sự chỉ trích về quyết định của Quỹ Dự trữ Liên bang chi ra 600 tỷ đôla để mua trái phiếu. Biện pháp này nhằm mục đích kích hoạt nền kinh tế bằng cách rót thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, mà sau đó có thể sử dụng để cho các cơ sở kinh doanh và giới tiêu thụ vay.
Nhưng giới chỉ trích cho rằng nó mang lại hiệu quả là làm đồng đôla yếu đi, và vi phạm một lời cam kết hồi tháng trước của các bộ trưởng tài chính G-20 là không định giá thấp chỉ tệ để cạnh tranh.
Cũng có sự chống đối, nhất là từ phía Trung Quốc và Nhật Bản, về một đề nghị ấn định các chỉ tiêu cụ thể cho tình trạng bất quân bình mậu dịch. Cả Hoa Kỳ lẫn Nam Triều Tiên đều ủng hộ khái niệm đó.
Chính sách hối đoái của Trung Quốc cũng sẽ nổi bật tại hội nghị G-20. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu nằm trong số các thành viên của G-20 lên án Bắc Kinh là cố ý giữ giá đồng nguyên thấp từ nhiều năm để đem lại lợi thế cho giới xuất khẩu Trung Quốc.